Theo cập nhật sáng 3/4/2024, giá vàng thế giới tăng mạnh lên mức kỷ lục mới, trong khi giá vàng trong nước vẫn còn đang thăm dò chính sách của Nhà nước đang "lơ lửng" trên đầu.

Sáng 3/4, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 200.000 đồng mỗi lượng. Theo đó, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 79,5 triệu đồng và 81,5 triệu đồng lần lượt ở chiều mua vào và bán ra. Công ty PNJ niêm yết giá vàng chiều mua vào - bán ra là 79,3 triệu đồng và 81,3 triệu đồng…

Xuôi chiều vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng tiếp tục tăng mạnh, thêm 500.000 đồng đến 600.000 đồng một lượng. Cụ thể, Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 70,2 triệu đồng mua vào và 71,55 triệu đồng bán ra. Công ty PNJ niêm yết giá vàng nhẫn mua vào là 70,25 triệu đồng và bán ra 71,4 triệu đồng… 

Sáng 3/4, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 200.000 đồng mỗi lượng, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 79,5 triệu đồng và 81,5 triệu đồng lần lượt ở chiều mua vào và bán ra.
Sáng 3/4, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 200.000 đồng mỗi lượng, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 79,5 triệu đồng và 81,5 triệu đồng lần lượt ở chiều mua vào và bán ra.

Như vậy, vàng nhẫn đã tăng giá hơn 1 triệu đồng/lượng chỉ trong 1 ngày. Đồng thời, giá vàng nhẫn đang thấp hơn giá vàng miếng khoảng 10 triệu đồng/lượng. 

Đồng thời, vàng trong nước tăng chậm bất chấp vàng quốc tế leo lên mức kỷ lục. Thị trường giao dịch cũng đang có tâm lý e dè hơn trong bối cảnh các thông tin Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng và việc cơ quan công an phát hiện những đường dây buôn lậu vàng trong thời gian qua. Thời điểm hiện tại, vàng miếng SJC đang có giá cao hơn vàng thế giới 12,85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn cao hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Ngày 28/3 vừa qua, các thành viên đã nêu kiến nghị tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC bởi mục tiêu "chống vàng hóa" đã thành công. Các thành viên của hội đồng cũng nhận định, nếu giữ lại quy định này sẽ gây ra hệ lụy lớn tới thị trường vàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. 

Cũng trong cuộc họp, các thành viên còn đề xuất thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng với một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc cấp hạn mức sản xuất vàng miếng ở từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ cũng như sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn cho rằng, những hoạt động có liên quan tới vàng trang sức mỹ nghệ nên được coi là hoạt động kinh doanh thông thường, giao cho một bộ ngành khác để có thể thống nhất quản lý từ khâu nhập khẩu và sản xuất (bao gồm cả nhập khẩu vàng nguyên liệu để phục vụ cho việc sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ) cho đến khâu lưu thông trên thị trường.

Bước đi cần thiết để giảm giá vàng

Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định, Nghị định 24 cùng mục tiêu chống hiện tượng "vàng hóa" nền kinh tế cho đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Với bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, những quy định nói trên đã không còn cần thiết mà còn gây ảnh hưởng đến những yếu tố vĩ mô khác. Theo đó, giá vàng tăng cao cũng như khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới ngày càng lớn có thể phát sinh hoạt động nhập khẩu vàng nhẫn bằng kênh không chính thống, khiến tỷ giá căng thẳng cục bộ.

Cụ thể, chuyên gia này nhận định: “Thực chất thì vàng miếng SJC không khác gì các thương hiệu vàng khác, nhưng chênh lệch giá lại vô cùng lớn, thời gian qua mức chênh lên đến 10-12 triệu đồng/lượng. Điều này đã tạo nên giá trị ảo cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, dẫn đến hiện tượng buôn lậu vì chênh lệch giá vàng”.

Do đó, theo TS. Cấn Văn Lực, việc bỏ độc quyền vàng là bước đi cần thiết để giảm giá vàng trong nước, từ đó giảm thiểu hiện tượng nhập lậu vàng, tăng cường ngoại tệ ở nền kinh tế, thậm chí còn có thể tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.  

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng giá vàng thế giới thời gian qua đang tăng vọt, chủ yếu là do sự kỳ vọng của các nhà đầu cơ.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng giá vàng thế giới thời gian qua đang tăng vọt, chủ yếu là do sự kỳ vọng của các nhà đầu cơ.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng giá vàng thế giới thời gian qua đang tăng vọt, chủ yếu là do sự kỳ vọng của các nhà đầu cơ. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho giá vàng thế giới và trong nước biến động không đồng bộ. Giá vàng trong nước hiện vẫn đang neo đậu ở mức cao, chênh lệch giữa giá vàng thế giới cùng giá vàng trong nước ngày càng nhiều. 

Với lý do này, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng lên còn giá vàng trong nước không biến động, đó cũng là điều dễ hiểu. Còn về việc đề xuất chấm dứt tình trạng độc quyền vàng miếng, ông Thịnh nhận định chắc chắn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ giảm xuống, thậm chí về mức tương đương nhau.

Vị chuyên gia này đưa ra dự báo: “Trong trường hợp Nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nhiều nhất sẽ chỉ ở mức khoảng 2,5 triệu đồng/lượng”.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc Nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng sẽ tỷ lệ thuận với nguồn cung tăng. Lực cầu vẫn thế nhưng nguồn cung sẽ dồi dào hơn, một lần nữa giúp cho giá vàng trong nước rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới. Đặc biệt là mặt hàng vàng miếng SJC, nếu trước đây từng cao hơn hẳn mười mấy triệu một lượng thì khi bỏ độc quyền, mức giá sẽ gần sát nhau hơn.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Lê Xuân Nghĩa cũng nêu quan điểm tương tự. Ông cho rằng, khi giá vàng trong nước chênh cao hơn vàng thế giới sẽ dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng về bán nhằm hưởng chênh lệch. Chỉ khi nào chênh lệch giá vàng giảm xuống mức thấp, hiện tượng nhập lậu vàng sẽ không còn nữa. 

Giá vàng SJC sẽ giảm?

Đóng góp vào giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chia sẻ, Hiệp hội đã gửi một số đề xuất cũng như kiến nghị tới nhà quản lý. Vị này thông tin: “Trước mắt, chúng tôi đã kiến nghị về việc cho phép 3 doanh nghiệp gồm PNJ, SJC, DOJI được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng với việc mỗi doanh nghiệp sẽ được nhập 500 kg vàng/năm. Các doanh nghiệp cũng chỉ được phép xin nhập đúng trong phạm vi có kiểm soát”.

Xét về góc nhìn cá nhân, ông Khánh nhìn nhận rằng, nếu Nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng SJC sẽ ngay lập tức tác động đến thị trường vàng Việt Nam. Vị này đánh giá, việc nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường thêm phong phú. Khi đó, chắc chắn giá vàng SJC sẽ giảm xuống. Giá vàng trong nước có thể vẫn cao hơn giá vàng thế giới nhưng mức chênh sẽ được rút ngắn. Người dân có lợi và thị trường vàng cũng sẽ trở nên bình ổn hơn. 

Khi giá vàng trong nước chênh cao hơn vàng thế giới sẽ dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng về bán nhằm hưởng chênh lệch. (Ảnh minh họa)
Khi giá vàng trong nước chênh cao hơn vàng thế giới sẽ dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng về bán nhằm hưởng chênh lệch. (Ảnh minh họa)

Đối với tính cấp thiết của việc bỏ độc quyền vàng miếng, ông Huỳnh Trung Khánh nhìn nhận đây là điều kiện tiên quyết để có thể cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu sau này.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: “Cho PNJ và DOJI sản xuất vàng miếng để có thể cạnh tranh với SJC thì phải cho 2 doanh nghiệp này được nhập vàng nguyên liệu. Ngược lại, nếu cho PNJ và DOJI nhập, cũng phải cho SJC nhập vàng nguyên liệu để sản xuất thêm.

Bên cạnh việc bỏ độc quyền vàng SJC, nếu có sự thay đổi về chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu thì các doanh nghiệp sẽ sản xuất nhiều hơn, nhờ đó mà nhà đầu tư cũng có thể sẽ bán ra vàng miếng nhiều hơn”.

Với những lý do nêu trên, ông Khánh nhìn nhận chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới sẽ ngày càng giảm. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể như thế nào vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung đưa ra thị trường./.