Cụ thể, bà Thuỷ đăng ký bán 130.000 cổ phiếu theo phương thức giao dịch khớp lệnh. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ 20/9-19/10/2022.

Mục đích thực hiện giao dịch: Cơ cấu lại danh mục.

Hiện bà Thuỷ đang nắm giữ 151.631 cổ phiếu NVL, tương ứng với tỷ lệ 0,008%. Như vậy, nếu giao dịch thành công, tỷ lệ cổ phiếu bà Thuỷ nắm giữ sẽ hạ xuống còn 0.001%, tương ứng với 21.631 cổ phiếu.

Novaland đang có gần 2 tỷ cổ phiếu đang giao dịch trên HoSE. Hiện sau khi rơi về vùng đáy giá 72.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 6 vừa qua, mã này đang hồi mạnh lên vùng giá 85.000 đồng/cổ phiếu.

Biểu đồ giá cổ phiếu NVL thời gian gần đây.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo hợp nhất xét soát giữa niên độ cho kỳ 6 tháng đầu năm 2022 mới công bố cuối tháng 8 vừa qua cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Novaland ghi nhận hơn 4.628 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm gần một nửa so với con số 7.096 tỷ đồng của cùng kỳ 2021.

Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 1.847 tỷ đồng, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ giảm nhẹ, đạt 1.172 tỷ đồng so với con số 1.262 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2022, tổng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Novaland đạt 1.817 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt hơn 239.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với hồi đầu năm; trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn chiếm tới 189.000 tỷ đồng.

Nợ phải trả đến 30/6/2022 là gần 195.000 tỷ đồng, tăng gần 35.000 tỷ đồng so với ngày 31/12/2021; trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 60.750 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2022 đang có 44.464 tỷ đồng. Như vậy, nếu so sánh mức vốn sở hữu doanh nghiệp này đang có với mức nợ phải trả thì Novaland đang phải gánh số nợ cao gấp gần 5 lần vốn chủ sỡ hữu.

Hiện doanh nghiệp này là “con nợ” nghìn tỷ của hàng loạt ngân hàng. Đứng đầu là Credit Suisse AG- Chi nhánh Singapore với mức vay nợ 3.350 tỷ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với số dư nợ hơn 1.500 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn là hơn 1.300 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM với 1.350 tỷ đồng….

Ngoài ra, Novaland cũng là “ông vua” phát hành trái phiếu trong nhóm doanh nghiệp địa ốc từ đầu năm đến nay.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), chỉ tính riêng từ đầu năm nay đến hết tháng 8/2022, nhóm bất động sản phát hành 47.060 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 21.3%.

Đáng chú ý, trong nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thời gian qua thì Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) phát hành nhiều nhất với 9.857 tỷ đồng, xếp sau là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10.2%/năm.

Minh Quân