Theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Nghị định 97/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 15/01/2023.

Trong đó, chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002 như sau:

- Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 01 - 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và các chế độ gồm:

+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

+ Trợ cấp 03 tháng tiền lương/năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu;

+ Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

- Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 01 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu và các chế độ gồm:

+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

+ Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu một tháng bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

- Lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí…

Thông tư 14/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Thông tư quy định, việc bổ nhiệm và xếp lương vào các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và nghiệp vụ chuyên môn đảm nhận của công chức.

Khi chuyển xếp từ ngạch công chức hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch công chức.

Về cách xếp lương, Thông tư nêu rõ, các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng quy định tại Thông tư này áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (đã được sửa đổi, bổ sung) như sau:

a) Ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

b) Ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

c) Ngạch Kiểm soát viên ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

d) Ngạch Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;

đ) Ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Việc chuyển xếp lương đối với công chức từ các ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Hoàng Hải