
Những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng là tăng trưởng GDP đạt 8% năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025” với chủ đề “Các giải pháp chiến lược và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới”, ông Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (IPS) thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương - cho biết, Việt Nam hiện có một số nhóm động lực chính để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên trong 5 năm tới, một mức tăng trưởng mà nước ta chưa đạt được trong suốt 40 năm đổi mới.
Động lực đầu tiên đến từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng nếu Việt Nam tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ, nâng cấp sản phẩm trong chuỗi giá trị. Trong nhóm ngành này, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực có dư địa lớn nhất.
Với một số ngành khác, nếu tận dụng được thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, áp dụng tự động hóa, chuyển đổi số thì cũng có thể tạo ra được sự chuyển đổi. Một ví dụ là ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đây là “mỏ vàng” rất lớn của Việt Nam nếu giải quyết được các điểm nghẽn về thể chế.
Xây dựng cũng là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng bứt phá với các công trình trọng điểm của Nhà nước về mở rộng hệ thống đường cao tốc, cảng biển và hệ thống cảng hàng không.
Động lực thứ hai là dịch vụ, vốn có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt là với các ngành du lịch, thương mại điện tử, vận tải kho bãi và dịch vụ tài chính. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng rất mạnh nếu khai thác được các dư địa trong thời gian tới, gắn với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin.
Động lực thứ ba chính là tận dụng dư địa phát triển từ các cực tăng trưởng. Tại nhiều vùng, địa phương, tiềm năng phát triển vẫn còn, đặc biệt là ở những khu vực có lợi thế về hạ tầng, nhân lực và tài nguyên. Nhân tố này càng trở nên nổi bật khi Việt Nam đã thực hiện sáp nhập tỉnh, thành để mở rộng không gian phát triển.
Mặc dù có động lực để tăng trưởng hai con số, nhưng để đảm bảo quá trình này diễn ra trong dài hạn, lãnh đạo IPS khuyến nghị Nhà nước cần phải quản trị 5 lĩnh vực để đảm bảo tăng trưởng bền vững, lâu dài.
Thứ nhất, cần đảm bảo quá trình tăng trưởng đi liền với chuyển đổi mô hình phát triển, tránh việc dựa quá nhiều vào tăng trưởng vốn trong khi các yếu tố khác như năng suất, khả năng đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng.
Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô luôn là một nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào. Theo đó, Việt Nam cần thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để đảm bảo dòng tín dụng không đi vào các lĩnh vực kinh tế tiềm ẩn rủi ro cao, tạo ra “bong bóng”.
Thứ ba, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cần phải được duy trì trong một thời gian dài, đặc biệt là đảm bảo những điều kiện như điện năng cũng như yếu tố cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Thứ tư, đi liền với yếu tố tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng phải chú ý đến bình đẳng xã hội khi một số khu vực có tốc độ phát triển nhanh hơn những khu vực khác, dẫn đến tăng trưởng không tạo ra tăng năng suất lao động tương ứng.
Thứ năm, tăng trưởng cần phải đảm bảo vấn đề về môi trường. Theo đó, Việt Nam không thể tăng trưởng bằng mọi giá, dựa trên tận dụng tài nguyên, bởi điều này sẽ gây ra những hệ lụy kinh tế lớn cho những giai đoạn sau.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển
Bên cạnh các giải pháp vĩ mô, từ góc nhìn thực tiễn, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững, từ đó đóng góp vào việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao của đất nước.
Ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse - cho biết, hiện nay doanh nghiệp còn khó mở rộng sản xuất hay đầu tư do thủ tục hành chính rườm rà, quy định chồng chéo và thiếu tính nhất quán. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, nhưng tiến độ còn chậm và thiếu triệt để, khiến cơ hội kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp bị cản trở. Vì vậy, để doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, cần cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ rào cản, theo ông Phú, vai trò “đồng hành” của Nhà nước cần thể hiện rõ nét hơn trong giai đoạn khởi động và xác lập lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Theo đó, những chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ ban đầu về tiếp cận thị trường, công nghệ, vốn… sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Từ ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - chia sẻ, hiện nay quy mô xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt hơn 45 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng tăng trưởng 10% mỗi năm đến năm 2030, con số xuất khẩu của ngành dệt may cần đạt khoảng 80 tỷ USD, theo ông Trường, điều này là bất khả thi nếu chỉ phát triển theo chiều rộng trong khi tổng cầu thế giới vẫn chưa phục hồi sau đại dịch.
Do đó, thay vì chạy theo tăng trưởng số lượng, ông Trường đề xuất Chính phủ cần có thêm chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy năng suất, đặc biệt việc phát triển ngành dệt may theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường chính là chìa khóa để ngành hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tương tự, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - cho rằng, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng hai con số, điều quan trọng là nuôi dưỡng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào định hướng phát triển của quốc gia. Niềm tin này sẽ tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều đó, bà Liên kiến nghị Chính phủ cần cải cách hệ thống văn bản quy định pháp luật hiện còn nhiều chồng chéo, bất cập; đồng thời tăng cường cơ chế “lắng nghe và chia sẻ” từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn do biến động thị trường và chi phí sản xuất gia tăng.
Bổ sung thêm góc nhìn từ tổ chức tài chính quốc tế, ông Đặng Hồng Quang - Trưởng đại diện Tập đoàn VinaCapital tại Hà Nội - nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận vốn để phát triển. Theo đó, Việt Nam cần thành lập một hệ thống quốc gia về thông tin tín dụng dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này, qua đó giúp họ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới./.