Ảnh minh họa |
Mới đây, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Công ty cổ phần BCG Land (BCG Land) với mã chứng khoán là BCR.
Theo đó BCG Land có vốn điều lệ 4.600 tỷ đồng, tương ứng 460 triệu cổ phiếu đăng ký lưu ký. BCG Land sẽ thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCOM theo quy định.
Tuy nhiên, trước “giờ G”, BCG Land đã hé lộ bức tranh tài chính không mấy lạc quan khi lợi nhuận giảm mạnh; âm dòng tiền. Thậm chí, công ty còn có nguy cơ thua lỗ nếu không thực hiện việc bán hàng loạt tài sản, trong đó có vốn của các công ty con.
Tuy nhiên, đáng chú ý, các công ty con mà BCG Land thoái vốn có bức tranh tài chính không mấy sáng sủa.
Lợi nhuận sụt giảm, âm dòng tiền
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, BCG Land ghi nhận Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh 697 tỷ đồng, tương đương 160% so với năm 2021 lên 1.132 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Doanh thu hoạt động tài chính giảm đáng kể, từ 1.609 tỷ đồng xuống 1.205 tỷ đồng và các chi phí đồng loạt tăng mạnh: Chi phí bán hàng tăng từ 21,4 tỷ đồng lên 108 tỷ đồng, Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 97 tỷ đồng lên 124 tỷ đồng.
Kết quả là Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của BCG Land giảm sâu 344 tỷ đồng, tương đương 52,1% so với năm 2021.
Cùng với lợi nhuận giảm sâu, BCG Land chứng kiến tiền mặt còn rất ít. Tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ còn 19,8 tỷ đồng, so với 37 tỷ đồng cùng kỳ.
Cần phải nhấn mạnh, quy mô tổng tài sản của BCG Land rất lớn, lên đến 11.557 tỷ đồng. Như vậy, tiền chỉ chiếm 0,2% tổng tài sản.
Tiền mặt của BCG Land còn rất ít là kết quả của việc dòng tiền chảy ra bên ngoài nhiều, dẫn đến âm dòng tiền.
Hồi cuối năm 2022, Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 1.193 tỷ đồng (trong đó đà tăng các khoản phải thu lên đến 2.572 tỷ đồng); Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 90,2 tỷ đồng.
Hoạt động duy nhất có dòng tiền dương là Tài chính. Tuy nhiên, Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính đạt dương 1.266 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc công ty nhận vốn góp của chủ sở hữu và cổ đông không kiểm soát.
Dù vậy, hoạt động tài chính cũng không bù đắp được hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư nên cuối năm 2022, Lưu chuyển tiền thuần trong năm của BCG Land là âm 17,2 tỷ đồng. Hồi cuối năm trước, con số này là âm 218 tỷ đồng.
Bán tài sản
Như đã nêu trên, trong năm 2022, Lợi nhuận sau thuế của BCG Land giảm một nửa. Thế nhưng, trên thực tế, tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu công ty không bán hàng loạt các tài sản lớn, trong đó có cổ phần các công ty con.
Năm 2022, BCG Land thoát lỗ nhờ Doanh thu hoạt động tài chính dù giảm nhưng vẫn là con số cao ngất ngưởng, lên đến 1.205 tỷ đồng. Trong đó có 590 tỷ đồng Lãi từ chuyển nhượng vốn. Trong năm 2021, chỉ tiêu này còn đạt tới 875 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 22/3/2022, BCG Land đã bán phần vốn góp tương đương 90% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Pegas với tổng giá chuyển nhượng là 378 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi hơn 252 tỷ đồng.
Ngày 10/3/2022, Tập đoàn đã bán phần vốn góp tương đương 2% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp và ghi nhận khoản lãi 54,6 tỷ đồng.
Ngày 1/3/2022 và 21/4/2022, BCG Land đã lần lượt góp thêm vốn và nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ Gia Khang làm tăng tỷ lệ sở hữu từ 59,43% lên 99,41%. Việc tăng tỷ lệ sở hữu đã được ghi nhận giảm 52,3 tỷ đồng vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trong ngày 17/6/2022, Tập đoàn đã bán phần vốn góp tương đương 50,41% cổ phần tại Gia Khang với tổng giá trị chuyển nhượng là gần 1.286 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi 283 tỷ đồng.
Ngày 6/10/2022, BCG Land đã bán phần vốn góp tương đương 80% cổ phần tại Công ty cổ phần Helios Đắk Nông với tổng giá chuyển nhượng là 160 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi 12,5 tỷ đồng.
Nghịch lý: công ty kinh doanh kém, bán lãi khủng
Có thể thấy, nếu không bán những tài sản này, BCG Land có thể sẽ thua lỗ trong năm 2022. Và đáng ngạc nhiên ở chỗ, có những công ty mà BCG Land đã bán vốn có bức tranh tài chính kém sắc nhưng lại mang về cho BCG Land những khoản lãi lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đợt thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ Gia Khang mang về cho BCG Land khoản lãi tài chính lớn nhất, đạt 283 tỷ đồng.
Công ty Gia Khang thành lập năm 2016 nhưng có chuỗi năm dài chưa từng ghi nhận doanh thu. Công ty lúc thì thua lỗ, khi thì lãi nhỏ giọt. Năm 2018 và 2020, công ty lỗ 5,4 tỷ đồng và 1 tỷ đồng. Các năm còn lại, công ty lãi 920 triệu đồng (năm 2017), 2,2 tỷ đồng (năm 2019) và 1,2 tỷ đồng (năm 2021).
Gia Khang đã có hành trình nợ tăng siêu tốc. Tại ngày 31/12/2022, Nợ phải trả của công ty lên đến 3.753 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, Công ty TNHH Pegas thành lập ngày 11/10/2021. Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), Pegas chứng kiến doanh thu giảm sâu từ 83 tỷ đồng (năm 2017) xuống chỉ còn 51,4 tỷ đồng (năm 2018). Kể từ 2019 đến 2021, công ty không kiếm nổi 1 đồng doanh thu.
Đáng chú ý, trong 2 năm có nguồn thu thì Pegas lại lỗ 578 triệu đồng (năm 2017) và lỗ 3,1 tỷ đồng (năm 2018). Tới khi liên tục ghi nhận doanh thu 0 đồng, công ty lại lãi 22,3 triệu (năm 2019), 270 triệu đồng (năm 2020) và 241 triệu đồng (năm 2021).
Cùng với đó, trước khi được BCG Land bán đi, Pegas chứng kiến tổng tài sản giảm sâu 244 tỷ đồng, tương đương 62,7% so với năm 2020 xuống chỉ còn 145 tỷ đồng.
Thế nhưng, Pegas vẫn mang về cho BCG Land khoản lãi lên tới 252 tỷ đồng.
PV