Thông tư 13/2022/TT-NHNN gồm 04 Điều, 03 phụ lục sửa đổi bổ sung, bãi bỏ một số điểm, khoản, điều và thay thế một số phụ lục của Thông tư 08/2022/TT-NHNN. Thông tư có hiệu lực từ ngày 28/10/2022.

Bên đi vay có thể sử dụng các tài sản khác làm tài sản bảo đảm để vay đặc biệt

Theo Thông tư 13/2022/TT-NHNN, trường hợp bên đi vay đã sử dụng hết tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 1 Điều 12, bên đi vay có thể sử dụng các tài sản sau đây làm tài sản bảo đảm để vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt hoặc để thực hiện Khoản 2 Điều 6 Thông tư này và không phải áp dụng các quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 12 đối với các khoản vay đặc biệt còn dư nợ: thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng); thế chấp quyền tài sản là khoản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng).

tctd-kiem-soat-dac-biet-230256.jpg

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13/2022/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Bên cạnh đó, trường hợp bên đi vay có tiền thu hồi từ quyền đòi nợ, khoản lãi phải thu làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt, trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu tháng, bên đi vay phải trả nợ gốc của khoản vay đặc biệt này theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất, số tiền trả nợ bằng tổng số tiền thu hồi nợ phát sinh trong tháng trước liền kề.

Giá trị tài sản bảo đảm, tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm

Đối với Giấy tờ có giá, tỷ lệ bằng tỷ lệ tối thiểu giữa giá trị giấy tờ có giá và số tiền cho vay có bảo đảm cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng theo quy định trong từng thời kỳ. Đối với tài sản bảo đảm theo quy định, tỷ lệ bằng 120% (trước đây là 170%).

Sửa sổi, bổ sung trường hợp trái phiếu là tài sản bảo đảm không đáp ứng điều kiện bảo dẫn đến tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt thì bên đi vay phải gửi văn bản đề nghị bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm trong 10 ngày làm việc.

Bổ sung trường hợp bên đi vay đã sử dụng hết tài sản bảo đảm theo quy định, có thể sử dụng các tài sản sau đây làm tài sản bảo đảm để vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt đối với các khoản vay đặc biệt còn dư nợ:Thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng);Thế chấp quyền tài sản là khoản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng).

Trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

Căn cứ tại Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, quy định cụ thể như sau:

Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước xem xét, đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp sau đây: Có nguy cơ mất khả năng chi trả; Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán; Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.

Thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

Theo Điều 149 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, quy định về thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, cụ thể:

Ngân hàng Nhà nước quyết định xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại điểm d khoản 2 Điều 148 của Luật này.

Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.

Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Việc góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trách nhiệm của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

Tại Điều 150 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, như sau: Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm sau đây:

Xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng trình Ban kiểm soát đặc biệt thông qua và tổ chức triển khai thực hiện phương án đó;

Tiếp tục quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động và bảo đảm an toàn tài sản của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 148 của Luật này;

Chấp hành yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt liên quan đến tổ chức, quản trị, kiểm soát, điều hành tổ chức tín dụng quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 148 của Luật này;

Thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 149 của Luật này. 

Thục San