Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi tới Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, cơ quan này nghiên cứu lựa chọn áp dụng giữa hai phương pháp tính thuế chuyển nhượng bất động sản. Việc này để phù hợp với thực tế thị trường, tối ưu số thuế thu nhập cá nhân nộp vào ngân sách Nhà nước, theo tờ Vnexpress.
Cụ thể, hai phương pháp được nghiên cứu gồm tính trên thu nhập chịu thuế (bằng giá bán trừ tổng chi phí liên quan đến bất động sản chuyển nhượng) hoặc áp dụng mức thuế suất chung trên tổng giá chuyển nhượng.
Theo Bộ Tài chính, mỗi phương pháp áp dụng sẽ phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu liên quan đến chuyển nhượng bất động sản. Trong đó, trường hợp tính thuế trên lãi sẽ dùng khi cơ sở dữ liệu xác định chính xác giá mua và chi phí liên quan. Hiện mức thuế suất được Bộ Tài chính đề xuất là 20%, để tương đồng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp nộp với chuyển nhượng bất động sản.
Trường hợp còn lại, không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản, cách tính thuế trên tổng giá chuyển nhượng bất động sản của cá nhân sẽ được áp dụng, với mức thuế suất dự kiến 2%.

Liên quan đến việc đánh thuế này, trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, phát biểu tại Hội thảo “Luật thuế thu nhập cá nhân - Đảm bảo công bằng, thúc đẩy tăng trưởng” được tổ chức giữa tháng 3 vừa qua, PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản hiện nay là một trong những nguồn thu quan trọng trong hệ thống thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tuy nhiên, phương pháp tính thuế đối với loại thu nhập này vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Hiện nay, thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được áp dụng theo hai phương thức: Thuế 2% trên giá trị giao dịch, người bán phải nộp thuế bằng 2% tổng giá trị bất động sản ghi trên hợp đồng chuyển nhượng, không quan tâm đến việc có lãi hay lỗ.
Thuế 20% trên chênh lệch giữa giá mua và giá bán: Phương thức này yêu cầu kê khai rõ ràng giá mua và giá bán để tính thuế trên phần lợi nhuận thực tế.
Theo ông, mặc dù phương án 2% trên giá trị giao dịch đơn giản, dễ thu, nhưng nó lại tạo ra một lỗ hổng lớn trong việc kê khai giá bán. Người bán thường khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế để giảm số thuế phải nộp. Điều này không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn khiến thị trường bất động sản thiếu minh bạch.
Ngược lại, phương án thuế 20% trên chênh lệch giá mua và giá bán có lợi thế hơn vì phản ánh chính xác thu nhập thực tế. Tuy nhiên, phương pháp này lại gặp khó khăn trong việc xác định đúng giá mua, nhất là đối với các giao dịch bất động sản diễn ra cách đây nhiều năm, khi chưa có cơ chế quản lý giá mua – bán minh bạch như hiện nay.
Do đó, để đảm bảo công bằng và hạn chế tình trạng lách thuế, nên áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và giá bán (tiền lãi) giống như thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Một trong những tác động quan trọng của việc áp dụng thuế 20% trên lợi nhuận thực tế là giúp hạn chế tình trạng đẩy giá nhà đất. Nếu áp dụng nghiêm ngặt chính sách đánh thuế trên giá trị tăng thêm, các công ty bất động sản cũng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hơn khi quyết định mức giá bán, từ đó giúp thị trường vận hành minh bạch và thực chất hơn”, ông Nghị nhận định.
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cho biết, bà không đồng tình với việc đánh thuế nhà thứ hai, bởi diện tích và giá trị nhà ở của mỗi người là khác nhau. Thay vào đó, thuế tài sản nên được thiết kế như một chính sách riêng, áp dụng không chỉ đối với bất động sản mà còn với các tài sản có giá trị lớn như nhà cửa, tàu thuyền, vé máy bay.
“Cần loại trừ các tài sản đã khấu hao theo quy định về tài sản cố định. Mức thuế tài sản có thể được tính theo tỉ lệ trên doanh thu thay vì đánh đồng theo giá trị tài sản”, bà Cúc nhấn mạnh./.