Tại đại hội lần này, Hội đồng quản trị dự kiến trình đại hội kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 10%, tương đương đạt khoảng 31.712 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2024, ngân hàng ghi nhận lãi hợp nhất trước thuế là 28.829 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 21,2%, tức đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Huy động vốn trong năm 2025 kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 23,3% trong khi đó tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23,7% trong năm 2025, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong năm 2025, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 1,7%, tỷ lệ an toàn vốn CAR tuân thủ Base II ở mức tối thiểu là 9%. Về các chỉ số như ROE (xấp xỉ 20-22%), ROA (xấp xỉ 2%) hay CIR dưới 30%, thuộc top đầu ngành ngân hàng.
Về chia cổ tức, báo cáo của Hội đồng Quản trị (HĐQT) dự tính, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận sau thuế năm 2024 để lại của MB đạt 15.426 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2025, ngân hàng sẽ sử dụng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với hai cấu phần.
Đầu tiên, MB sẽ dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%. Sau đó, nhà băng này sẽ dành 19.726 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng.
Theo kế hoạch, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 32% từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối của ngân hàng năm 2024 .

Ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Đây là phương án đã được ĐHĐCĐ năm 2024 thông qua.
Trước đó, MB đã tăng vốn lên hơn 61.022 tỷ đồng sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%. Nếu hoàn thành hai cấu phần tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tại đại hội năm nay, Hội đồng quản trị Ngân hàng MB sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB) và tiếp tục thực hiện các nội dung trong phương án CGBB (gồm cả các sửa đổi, bổ sung) đã được phê duyệt.
Cụ thể MB sẽ góp vốn vào MBV tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 17/10/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định chuyển giao bắt buộc OceanBank cho MB. Sau khi nhận chuyển giao, Oceanbank đã được đổi tên thành MBV./.