Lãi suất cho vay đã giảm 0,6%/năm
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, cơ quan này tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và áp dụng các giải pháp khác để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã làm việc trực tiếp và ban hành công văn chỉ đạo toàn hệ thống tổ chức tín dụng ổn định lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tính đến ngày 10/4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới của khối ngân hàng thương mại ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Tỷ giá chịu áp lực, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt
Thời gian qua, thị trường ngoại tệ và tỷ giá chịu áp lực lớn, đa chiều và biến động nhanh do các yếu tố kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, đặc biệt là biến động tỷ giá USD và chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Trước bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, kết hợp sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ như điều tiết thanh khoản, lãi suất và can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ vẫn duy trì ổn định, thanh khoản thông suốt và các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Tính đến ngày 22/4/2025, tỷ giá VND/USD giao dịch ở mức khoảng 25.896 VND/USD, tăng 1,64% so với cuối năm 2024.
Nhiều sức ép với lãi suất trong thời gian tới
Dù chính sách tiền tệ thời gian qua được điều hành ổn định, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo một số thách thức đáng lưu ý trong thời gian tới.
Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, nhất là trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới biến động mạnh do căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, rủi ro an ninh lương thực toàn cầu, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cũng như tác động từ biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực bởi một số nguyên nhân:
- Lãi suất cho vay đã giảm mạnh trong thời gian qua, tạo dư địa điều chỉnh hạn chế;
- Nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng năm 2025;
- Hoạt động huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn và bị cạnh tranh bởi các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và thị trường chứng khoán;
- Lãi suất quốc tế tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, trong khi thị trường tài chính toàn cầu ngày càng khó dự đoán sau khi Hoa Kỳ công bố các chính sách thuế đối ứng mới.
Bên cạnh đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ cũng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều sức ép từ các yếu tố quốc tế phức tạp như chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump, định hướng điều hành khó đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị và các cú sốc giá cả hàng hóa. Ở trong nước, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD cũng như nhu cầu ngoại tệ cao sẽ tiếp tục tạo ra áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối./.