Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, mã SCR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần 75,2 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, cơ cấu doanh thu chủ yếu tới từ việc cho thuê sàn thương mại tại các dự án TTC Plaza Bình Thạnh, TTC Plaza Đức Trọng, Charmington La Pointe,... Ngoài ra, doanh thu từ việc thi công xây dựng và bán vật liệu xây dựng cũng lần lượt đóng góp 3,1 tỷ đồng và 14,4 tỷ đồng vào cơ cấu doanh thu chung.
Doanh thu của TTC Land chủ yếu là từ cho thuê sàn thương mại (Ảnh minh họa)
Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty còn 17,8 tỷ đồng,
giảm gần 39% so với cùng kỳ, biên lợi lãi gộp giảm từ mức 42,4% của cùng kỳ xuống
mức 23,75 trong quý này.
Trong kỳ, công ty còn ghi nhận 94,7 tỷ đồng doanh thu tài
chính, giảm 8,3% so với quý II năm ngoái; chi phí tài chính giảm 15,7%, còn hơn
77,8 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng cũng lần lượt giảm
48% và 78% xuống tương ứng 20 tỷ đồng và 2,7 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý II khi lợi nhuận gộp đi lùi, TTC Land đã
thực hiện cắt giảm các chi phí, nhờ đó tốc độ giảm của lợi nhuận ròng thấp hơn
tốc độ giảm của lợi nhuận gộp.
Tuy nhiên, kỳ này công ty ghi nhận lỗ từ công ty liên doanh,
liên kết gần 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 4,7 tỷ đồng. Khoản thu nhập
khác cũng giảm mạnh từ mức 21,3 tỷ đồng của cùng kỳ về vỏn vẹn 795 triệu đồng
trong quý này. Ngoài ra, công ty còn có khoản lỗ khác gần 2 tỷ đồng, cùng kỳ
lãi gần 18,3 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi trừ chi phí và thuế, TTC chỉ lãi sau thuế vỏn
vẹn 944 triệu đồng, giảm 76% so với mức thấp của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nửa
đầu năm, TTC Land đạt 144 tỷ đồng doanh thu, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận
trước thuế đạt 16,1 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế
lại giảm 3,4%, còn 5,7 tỷ đồng.
Năm 2024, TTC Land đặt kế hoạch doanh thu 705 tỷ đồng, tăng
89,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế dự kiến 16 tỷ đồng, giảm 2,4% so với
thực hiện trong năm 2023. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 công ty mới thực
hiện được 20,4% kế hoạch doanh thu nhưng đã vượt kế hoạch lợi nhuận.
Về quy mô tài sản, tính tới 30/6/2024, tổng tài sản của TTC Land tăng 2,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 236,6 tỷ đồng, lên 10.867,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 4.100,4 tỷ đồng, chiếm 37,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.567,7 tỷ đồng, chiếm 32,8% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 816,2 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 876,6 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng tài sản…
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2024 của TTC Land
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh nhất là hàng tồn kho với mức tăng 11,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 436,7 tỷ đồng, lên 4.100,4 tỷ đồng. Trong đó, biến động tồn kho chủ yếu là bất động sản dở dang tăng thêm 125,2 tỷ đồng, lên 2.905,7 tỷ đồng; hàng hoá bất động sản tăng thêm 323 tỷ đồng, lên 1.168,6 tỷ đồng…
Đáng chú ý, TTC Land hiện đang dùng phần lớn bất động sản để làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng như dùng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận Tân Phú TP.HCM; quyền sử dụng đất và nhà kho kết hợp nhà xưởng trên đất tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thuộc sở hữu của bên thứ ba; thửa đất tại quận 7, TP.HCM thuộc sở hữu của các bên thứ ba… để vay hơn 274 tỷ đồng tại BIDV; Vietinbank.
Cùng với đó, TTC Land cũng đã dùng các hình thức đảm bảo bằng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng thuê đất tại dự án Trung tâm thương mại TTC Plaza Đức Trọng; một số cổ phần thuộc sở hữu của bên thứ ba; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán công trình xây dựng thuộc dự án tại TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; quyền sử dụng đất và bất động sản dự án tại Phú Quốc thuộc sở hữu của bên thứ ba; quyền phát sinh từ hợp đồng thuê dài hạn tầng thương mại dự án tại quận 7, TP.HCM; quyền phát sinh từ dự án tại quận 7, TP.HCM; tài sản phát sinh hình thành trong tương lai từ dự án tại Đà Nẵng; tài sản, quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng cho thuê tại một số dự án; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang,... để vay tổng số tiền hơn 1.545 tỷ đồng tại các ngân hàng BIDV, VPBank, OCB, ABBank.
Đến cuối quý II, nợ phải trả của công ty là hơn 5.744 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm, bao gồm hơn 3.008 tỷ đồng nợ vay tài chính, tăng nhẹ so với đầu năm và chiếm 27,7% tổng nguồn vốn. Trong đó, công ty đang vay nợ ngắn hạn 1.892 tỷ đồng và vay nợ dài hạn là 1.116 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong nửa cuối năm nay
và quý I/2025, TTC Land đang có khoản nợ vay ngắn hạn gần 275 tỷ đồng phải tất
toán cho các ngân hàng, 429 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn thanh toán và 494 tỷ
đồng nợ thuê tài chính đến hạn trả. Ngoài ra, công ty còn đang vay từ các cá
nhân và tổ chức thuộc hệ sinh thái của TTC Group (công ty mẹ của TTC Land)
1.188 tỷ đồng với lãi suất dao động tư 7-13%.
Một điểm đáng chú ý nữa là khoản mục người mua trả tiền trước
ngắn hạn và dài hạn của công ty đến cuối tháng 6 đã tăng 31,6% so với đầu năm,
tương ứng tăng thêm 230,5 tỷ đồng, lên 960,7 tỷ đồng và chiếm 8,8% tổng nguồn vốn
(đầu kỳ ghi nhận 730,2 tỷ đồng và chiếm 6,9% tổng nguồn vốn).
Đến cuối quý II, vốn chủ sở hữu của TTC Land ở mức 5.123 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm, bao gồm 3.957 tỷ đồng vốn cổ phần , 406 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 157 tỷ đồng dành cho quỹ đầu tư phát triển.