Nhiều người sở hữu NƠXH không là hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp
Tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023"; đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu ý kiến, về phát triển nhà ở xã hội, vừa qua có một vấn đề quan trọng nổi lên, đó là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng.
Đại biểu nhấn mạnh một thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có những người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người trong diện được thụ hưởng ưu đãi này; không phải đối tượng chính sách, không là hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp.
"Có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán nhà ở xã hội đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai là người đang ở trong nhà ở xã hội, chắc chắn rằng sẽ có người không đúng đối tượng ưu đãi", đại biểu bày tỏ lo ngại.
Theo vị đại biểu, thực trạng này có nhiều nguyên nhân như: Sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, có việc "lách luật" mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này đã dẫn đến hệ lụy người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
Do vậy, đại biểu mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong thanh tra, kiểm tra đối tượng sử dụng nhà ở xã hội.
Theo đó, giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản về nhà ở xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung một nội dung là tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.
Cần cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội
Về vấn đề nhà ở xã hội, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt được.
Theo ông, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện hình thức nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng, cho thuê. Chú trọng biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển hóa, nâng cấp các loại hình xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, nhất là các khu trọ hiện hữu đang đáp ứng nhu cầu lưu trú của một số đông công nhân, người lao động, nhưng được các cơ quan chức năng đánh giá là chưa đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, chưa đảm bảo an toàn, điều kiện sinh sống.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm soát giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà ở xã hội.
Tương tự, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị cần cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội, trong đó, xây dựng quy hoạch đồng bộ, dài hạn, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu vực có nhiều khu công nghiệp, với ít nhất 30% diện tích đất phát triển bất động sản ưu tiên cho nhà ở xã hội.
Cần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện triệt để cơ chế "một cửa liên thông" trong cấp phép và tăng cường phân cấp cho địa phương trong phê duyệt dự án nhà ở xã hội.
Đại biểu cũng đề xuất thành lập quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp. Có chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
Về hoàn thiện và cụ thể hóa các quy định pháp luật liên quan, đại biểu đề nghị có hướng dẫn cụ thể và giải quyết bất cập trong việc triển khai Điều 78 về quy định chuyển tiếp Luật Nhà ở năm 2024. Bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 49 năm 2021 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện./.