Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị cần nghiên cứu bổ sung nghiên cứu 2 vấn đề. Một là, bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Hai là phải nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị không quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng.
ĐB Nguyễn Hải Trung.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai khi phát biểu ý kiến cũng quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng. Đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra không phải là hạn chế, mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng. Đây là vấn đề rất khó khăn, những quy định trong Điều 55, Điều 127 trong dự thảo chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.
Theo đại biểu, các giải pháp trong dự thảo luật còn thụ động, chưa hiệu quả. Nhấn mạnh việc chấm dứt sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đại biểu cho rằng, cần xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng, để giải quyết hiệu quả hơn nữa vấn đề này.
Từ thực tiễn liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại thời gian qua, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan đánh giá kỹ công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, các quy định pháp luật có liên quan, các quy định cần sửa đổi để đảm bảo thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm của các ngân hàng thương mại, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Qua đó, bổ sung sửa đổi các quy định khác và Luật Tổ chức tín dụng để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả các sai phạm của các Tổ chức tín dụng.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết thống nhất với các ý kiến đại biểu đã phát biểu trước liên quan đến vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại với nhau, giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp và việc các tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng để huy động vốn phục vụ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình giữ cổ phần vốn sở hữu, dẫn đến khó kiểm soát, hoạt động thiếu minh bạch, dễ dẫn đến sai phạm và ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chung, nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ để xử lý các vấn đề này.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh. |
Về tỉ lệ sở hữu cổ phần được quy định tại Điều 55, việc quy định tỷ lệ tối đa sở hữu cổ phần của cá nhân theo hướng giảm so với quy định của luật hiện hành, đại biểu cho rằng, đứng trên khía cạnh kinh tế sẽ làm giảm năng lực đầu tư và hiệu quả sinh lời của dòng tiền, hạn chế việc huy động nguồn vốn từ xã hội vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Do đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị vốn điều lệ của Tổ chức tín dụng cần xem xét ở góc độ là khoản đầu tư và yếu tố quản trị từ Ngân hàng Nhà nước về các chỉ số tài chính cần mở rộng phạm vi sở hữu vốn của cổ đông tính trên vốn điều lệ để đảm bảo ít hạn chế về đầu tư cổ phần tại Tổ chức tín dụng nhưng các cổ đông này chỉ thuần túy tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Tổ chức tín dụng.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, từ tham khảo các kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc sở hữu chéo hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng đã gây ra nhiều hệ quả tiêu cực.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền các nước đã tăng cường đẩy mạnh cổ phần hóa để sắp xếp lại ngân hàng, cùng với đó là việc cải tổ hệ thống pháp luật, thành lập hội đồng giám sát tài chính, tăng cường trách nhiệm của cơ quan tham gia giám sát ngân hàng, nâng cao trách nhiệm của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng.