Theo báo cáo của VPBankS, lợi nhuận sau thuế quý II của 11 ngân hàng trong phạm vi phân tích ước đạt 46.740 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Tín dụng tăng tốc 9,9% từ đầu năm, vượt xa mức 6% cùng kỳ năm ngoái. Cho cả năm 2025, lợi nhuận toàn ngành được dự báo đạt hơn 239.000 tỷ đồng, tăng gần 20%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 16%, cao hơn mức 15% của năm 2024, nhờ sự phục hồi rõ rệt của thị trường bất động sản và đà mở rộng của nền kinh tế.

68766bd6716e3.png
Lợi nhuận nhiều ngân hàng bật tăng mạnh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản được cải thiện, mặt bằng lãi suất duy trì thấp và thu nhập người dân có xu hướng tăng cũng giúp giảm áp lực trích lập dự phòng.

Sacombank, VietinBank, VPBank dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận

Trong nhóm được phân tích, lợi nhuận sau thuế quý II của Sacombank được dự báo tăng mạnh nhất, lên đến 55,4%. TOI (tổng thu nhập hoạt động) tăng 14,1%, chi phí dự phòng giảm hơn 90% và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được cải thiện. Cả năm 2025, lợi nhuận ngân hàng này có thể tăng 34,1%, với tín dụng tăng khoảng 14% và NIM được duy trì ở mức 3,6%.

VietinBank cũng được dự báo ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 7.756 tỷ đồng, tăng 43,4%. Tăng trưởng tín dụng vững và áp lực dự phòng giảm là các yếu tố chính hỗ trợ đà tăng. Cho cả năm 2025, lợi nhuận của ngân hàng này được kỳ vọng tăng gần 40%.

VPBank dự báo lãi sau thuế quý II đạt 5.101 tỷ đồng, tăng 40,1%. Cả năm 2025, lợi nhuận có thể tăng hơn 20%, nhờ dư nợ tăng 24% và chi phí tín dụng giảm gần 1 điểm phần trăm.

HDBank được kỳ vọng đạt lợi nhuận sau thuế quý II tăng 35%, lên 4.169 tỷ đồng. NIM cao 5,1%, CIR thấp 27%, và nợ xấu giảm mạnh xuống còn 1,9%.

Tín dụng vẫn là động lực tăng trưởng chính

TPBank có thể ghi nhận lợi nhuận quý II tăng 8,7%, với TOI tăng gần 11%, dù chi phí dự phòng vẫn tăng do tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) sụt giảm. Trong năm 2025, tín dụng dự kiến tăng tới 20%, nhờ vào đà phục hồi của mảng bán lẻ và các gói tín dụng ưu tiên.

Ngân hàng MB được dự báo lợi nhuận quý II tăng nhẹ 0,5%, do chi phí dự phòng tăng trở lại sau khi LLR giảm trong quý I. Tuy nhiên, TOI tăng hơn 12% với cả thu nhập lãi thuần và ngoài lãi cùng tăng trưởng tốt. Trong trung hạn, MB được cho là sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng và nâng dần LLR về mức mục tiêu 98% vào cuối năm.

Một số ngân hàng khác

Lợi nhuận sau thuế quý II của ACB được dự báo đạt 5.084 tỷ đồng, tăng 13%, nhờ thu nhập lãi thuần và tăng trưởng tín dụng ổn định. Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, với nợ xấu ở mức thấp 1,49%.

Techcombank ước đạt lợi nhuận sau thuế 6.623 tỷ đồng trong quý II, tăng 6%. TOI và NIM đều tăng, nợ xấu được kiểm soát, CIR ở mức thấp 28,5%.

Vietcombank có thể đạt lãi sau thuế 8.871 tỷ đồng, tăng 9,2%, nhờ thu nhập ngoài lãi phục hồi và dự phòng giảm. Tuy nhiên, cả năm 2025, mức tăng lợi nhuận chỉ vào khoảng 4,4% do áp lực huy động vốn còn lớn.

Lợi nhuận của BIDV được kỳ vọng tăng 14,6% trong quý II, đạt 7.488 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng tốt và NIM ổn định là yếu tố hỗ trợ chính. Cả năm 2025, lợi nhuận BIDV có thể tăng 10,8%, dù áp lực NIM có xu hướng thu hẹp.

Tại VIB, thu nhập lãi thuần quý II được dự báo tăng mạnh 29% lên 5.200 tỷ đồng, nhờ tín dụng tăng và NIM cải thiện lên mức 3,5%. Tuy nhiên, CIR vẫn ở mức cao 38%, còn nợ xấu đã giảm xuống 3,6%, cho thấy nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản./.