dao-minh-tu-1401.jpg

Ngày 21/6/2023, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước chủ trì họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023.

Giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế

Ông Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.

Về điều hành lãi suất, trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn khó lường. Tuy nhiên, tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Đối với lãi suất tối đa tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã có 3 lần giảm 1,25 điểm phần trăm từ 6%/năm về còn 4,75%/năm.

Đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2022).

Trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Ông Đào Minh Tú cho biết, mức tăng trưởng 3,36% trong những tháng đầu năm là tương đối thấp so với mục tiêu 14 - 15% của năm 2023 nhưng cũng do tính khách quan của nền kinh tế nhu cầu vốn thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cấp tín dụng, mà tăng phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Ngân hàng Nhà nước cũng xác định, việc tăng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

le-thi-thuy-sen-1401.jpg

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước tại họp báo 21/6/2023.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm 2023

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.