Sáng nay (ngày 22/4), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

Kế hoạch lợi nhuận giảm, tiếp tục không chia cổ tức

Năm nay, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt gần 511.300 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, kế hoạch lợi nhuận trên dựa trên những đánh giá thận trọng của Ban lãnh đạo ngân hàng đặt trong bối cảnh tình hình vĩ mô có nhiều khó khăn như hiện nay.

“Kế hoạch lợi nhuận năm nay có nhiều phương án, HĐQT đã chọn phương án thận trọng nhất, và chúng tôi tin tưởng có thể thực thi. Thời kỳ 2012 – 2013 chúng ta cũng từng trải qua giai đoạn khó khăn nhưng cuối cùng cũng vượt qua. Với những kinh nghiệm đó, chúng tôi tin rằng nên thận trọng trong khó khăn”, ông Hồ Hùng Anh nói.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, sau khi trích vốn và quỹ năm 2022 là 34.504 tỷ đồng, HĐQT Techcombank trình cổ đông tiếp tục không chia cổ tức và dành gần 23.539 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Trả lời thắc mắc của cổ đông vì sao nhiều năm liền ngân hàng không tiến hành chia cổ tức, Chủ tịch Techcombank cho rằng, với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng chỉ nên thực hiện khi có đòi hỏi từ góc độ cải thiện các chỉ số. Bên cạnh đó, khi bán cổ phiếu nhà đầu tư còn bị “thiệt” khi bị trừ 5% thuế thu nhập cá nhân.

“Ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu khi cần thiết phải tăng vốn”, ông Hùng Anh nói.

Đối với việc chia cổ tức bằng tiền, Chủ tịch Techcombank cho rằng còn phụ thuộc vào các chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển ngân hàng.

“ROE của Techcombank hiện trên 20%. Với vốn để lại ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư và mang lại lợi nhuận, như vậy là tốt cho cổ đông. Năm 2013, chúng tôi đã nói 10 năm tới sẽ ko chia cổ tức, năm nay là năm cuối cùng cho thời hạn này. Dù không thể nói trước điều gì nhưng cũng có thể ngân hàng sẽ xem xét các phương án từ năm sau”, ông Hùng Anh nói.

Phát hành ESOP tăng vốn điều lệ

Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, Techcombank dự kiến phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 35.172 tỷ đồng lên hơn 35.225 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.

Techcombank cho biết, đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đổi về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank. Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023.

Tăng tỷ lệ sở hữu tại TCBS

Cũng tại đại hội lần này, HĐQT Techombank trình cổ đông thông qua việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương – TCBS.

Được biết, ngày 19/12/2022, ĐHĐCĐ Techcombank đã thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản về việc Techcombank mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của TCBS.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 23/8/2022, ĐHĐCĐ của TCBS đã thông qua đợt chào bán cổ phiếu cho cán bộ nhân viên và nộp hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Theo quy định tại Luật Chứng khoán, các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.

Techcombank cho biết, để thực hiện việc chào bán riêng lẻ cho TCB, TCBS đã kỳ vọng có thể thay đổi kế hoạch triển khai đợt chào bán cho CBNV. Tuy nhiên, khi thực hiện việc thay đổi với UBCKNN thì được phản hồi là đã thụ lý hồ sơ và ghi nhận ngày hoàn thành của đợt chào bán cho CBNV là ngày 18/10/2022.

Do đó, kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ của TCBS cho TCB sẽ được lùi sang giữa năm 2023, đảm bảo cách tối thiểu 6 tháng sau đợt chào bán cho cán bộ nhân viên TCBS.

Về kế hoạch chào bán riêng lẻ, TCBS sẽ thực hiện chào bán 105 triệu cổ phiếu cho Techcombank với giá chào bán dự kiến là 97.542 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được theo giá dự kiến là 10.241 tỷ đồng.

Techcombank hiện đang sở hữu 88,8% vốn điều lệ của TCBS. Sau đợt chào bán trên, tỷ lệ này dự kiến tăng lên 94,2%.

Quản lý TPDN như một khoản vay

Tại đại hội, các vấn đề liên quan đến tín dụng bất động sản và TPDN của Techcombank nhận được rất nhiều sự quan tâm của cổ đông.

Liên quan đến tín dụng lĩnh vực BĐS, ông Hùng Anh cho biết, những năm qua, Techcombank cho vay bất động sản luôn tập trung vào những dự án tốt, khách hàng tốt.

“Bất động sản là lĩnh vực mà Techcombank thực sự có hiểu biết, theo đó kể cả có những khó khăn chúng tôi vẫn tin tưởng là có thể quản trị được rủi ro và tạo ra thu nhập”, Chủ tịch Techcombank nói.

Ông Hùng Anh cho biết, Techcombank cho vay nhiều trong lĩnh vực BĐS nhưng phần nhiều nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà. Các dự án mà Techcombank rót vốn đều có giấy tờ pháp lý đầy đủ, dù đang trong giai đoạn khó khăn của thị trường nhưng các dự án này vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ.

Với các dự án của Masterise, Chủ tịch Techcombank cho biết, thực tế đây không phải là công ty đầu tư BĐS mà là nhà phát triển BĐS, tức họ xây dựng thương hiệu, ký kết với các chủ đầu tư để ăn phí. Hiện những dự án mà Masterise đang triển khai đều đang hoạt động bình thường, đạt được tiến độ đề ra, vẫn có dòng tiền bán hàng.

“Trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện tại, lĩnh vực nào cũng có khó khăn riêng, không phải chỉ rêng BĐS nhưng chúng tôi tin với sự lãnh đạo của Chính phủ với những chính sách quyết liệt trong thời gian qua, trong quý 2, quý 3 tới nền kinh tế sẽ có những khởi sắc”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Techcombank khẳng định, ngân hàng luôn quản lý như một khoản vay như đánh giá sức khỏe khách hàng, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo.

“Lượng trái phiếu phát hành năm 2022 và đầu năm nay đã giảm đi rất nhiều nhưng chúng tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian, chắc chắn thj trường trái phiếu sẽ quay trở lại bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế”, ông Hùng Anh nói.