Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) cho rằng, lỗ hổng pháp lý còn quá lớn, trong khi các cơ quan chức năng còn buông lỏng quản lý.
Không thể đổi lỗi quá trình tăng vốn xảy ra trước khi lên sàn
Thưa luật sư, thời gian qua liên tiếp phát hiện các vụ DN tăng vốn ảo, đặc biệt là vụ việc FLC nâng khống vốn điều lệ từ 1.5 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng. Theo ông, đâu lỗ hổng pháp lý để DN thực hiện hành vi trên?
- Thực tế cho thấy, lỗ hổng ở đây có thể giúp nhiều “con voi chui lọt lỗ kim”, nằm ở quy định luật, cho phép DN khai vốn bao nhiêu thì tùy và có đến 90 ngày để thanh toán vốn cổ phần đã đăng ký mua để được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN. Việc tăng vốn điều lệ của các DN chưa lên sàn rất dễ, vì vậy mà nhóm DN FLC đã chọn chiêu tăng vốn “thần tốc” trước khi lên sàn để không phải nộp tiền vào tài khoản và công khai minh bạch như các DN trên sàn. Đây là kẽ hở lớn giúp DN nâng khống vốn điều lệ.
Tuy nhiên, trong trường hợp ông Trịnh Văn Quyết tăng vốn ảo (tăng vốn khống) lên hàng nghìn tỷ đồng tại FLC Faros thì lại thêm một lỗ hổng nữa, không mới nhưng trầm trọng. Sự việc này đặt ra câu hỏi đó là khâu kiểm soát và thanh, kiểm tra nguồn vốn tăng, bổ sung tại DN có thực sự được thực hiện hay không? Đây chính là cánh cửa đã không được kiểm soát chặt, để cho Trịnh Văn Quyết có cơ hội tăng vốn ảo và lừa đảo các nhà đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trường hợp tăng vốn ảo để lừa đảo của Trịnh Văn Quyết, hậu quả lớn đã xảy ra và cũng qua đó thể hiện rõ hơn những lỗ hổng, sự bất cập từ trong quy định luật cho đến khâu quản lý, kiểm soát dòng vốn đăng ký của DN.
Để xảy ra những vụ việc tăng vốn ảo thời gian qua, theo ông trách nhiệm thuộc về ai và vai trò của cơ quan quản lý giám sát ở đâu?
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là đơn vị giám sát tuyến dựa trên cơ sở báo cáo giám sát của Sở giao dịch chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trong vụ việc này, UBCKNN và các cơ quan liên quan chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm giám sát của mình. Nếu cơ quan quản lý ngay từ đầu để tâm, mạnh tay xử lý thì chắc chắn sẽ không để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua, nhà đầu tư cũng không phải rơi vào cảnh đứng ngồi không yên như hiện nay.
Trong việc kiểm duyệt hồ sơ, chấp thuận cho ROS niêm yết, vai trò của UBCKNN là rất lớn, không thể đổ cho quá trình tăng vốn xảy ra trước khi ROS lên sàn. DN có thể sai, cố tình lừa đảo, nhưng UBCKNN không phát hiện ra, có phải là tiếp tay cho DN? Có thể DN lừa đảo quá tinh vi, nhưng trường hợp của ROS, bất thường đã được kiểm soát chỉ ra tại báo cáo tài chính, UBCKNN xét duyệt hồ sơ lại không phát hiện.
UBCKNN và các cơ quan liên quan đã buông lỏng trách nhiệm quản lý, vì nếu kiểm tra giám sát chặt thì lập tức phát hiện ngay. Đồng thời đặt nghi vấn đằng sau sự việc nâng vốn khống và những "bơm thổi" cổ phiếu ROS và cổ phiếu "họ FLC", có hay không việc móc nối bảo kê, "đi đêm với nhau”. UBCKNN cần tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán. Đồng thời chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Tăng kiểm tra, giám sát và hậu kiểm
Việc DN tăng vốn ảo sẽ dẫn tới hậu quả gì, thưa ông?
- Việc DN tăng vốn ảo là một hành vi vi phạm pháp luật có thể dẫn tới rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác, hoặc để chuẩn bị cho những hành vi vi phạm pháp luật khác, nghiêm trọng hơn, thậm chí là vi phạm hình sự.
Đang tồn tại những công ty có số vốn ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả đối tác, khách hàng của công ty có vốn ảo và cho cả môi trường kinh doanh chung.
Trong trường hợp đối tác, khách hàng của những công ty đó không đủ cẩn trọng, bị thuyết phục bởi số vốn điều lệ ghi trên giấy, sẽ bị nhầm lẫn về năng lực tài chính của công ty. Từ đó, họ có thể đổ vỡ kế hoạch làm ăn, hợp tác kinh doanh, thậm chí trở thành chủ nợ của công ty mà con nợ không có khả năng trả nợ.
Sau mỗi chiêu tăng vốn ảo, không chỉ các cổ đông bị “móc túi” ngay sau quyết định niêm yết bổ sung, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh chung của thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Sự "sáng tạo" bất thường của DN niêm yết để tăng vốn một cách thiếu xác thực đã và đang diễn ra. Hành vi đó thật sự đã mang lại hậu quả xấu cho cổ đông và nhà đầu tư.
Hiện nay các nước trên thế giới đang quản lý thị trường như thế nào, thưa ông?
- Tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán có quyền hạn rất lớn và họ có đội ngũ chuyên môn để tìm kiếm các nhóm gian lận. Việc quản trị sự minh bạch và rõ ràng rất quan trọng cho nhà đầu tư.
Tại châu Âu, trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, Cơ quan Thị trường Chứng khoán châu Âu (ESMA) đã tạm thời giảm xuống 0,1% vốn phát hành, so với mức 0,2% thông thường, ngưỡng tối thiểu mà nhà đầu tư phải thông báo cho các cơ quan quốc gia liên quan về các vị thế bán chứng khoán niêm yết tại Liên minh châu Âu (EU), thị trường do các trường hợp đặc biệt liên quan đến đại dịch Covid-19.
Các quy định của EU bắt buộc phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia về các vị thế bán khống tương đương với ít nhất 0,2% vốn phát hành của một chứng khoán, mặc dù ngưỡng bắt buộc truyền thông công khai về vị thế giảm giá nói trên là 0,5%.
Nghĩa vụ tạm thời này áp dụng cho bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhân nào với bất kể nơi cư trú của họ, mặc dù nó không áp dụng cho cổ phiếu được phép giao dịch trên các thị trường được quản lý, nơi địa điểm chính để giao dịch cổ phiếu là ở nước thứ ba, cũng như các hoạt động tạo lập hoặc bình ổn thị trường. Sau khi thị trường chứng khoán cả nước đã tăng lên khoảng 7%.
Để ngăn tình trạng tăng vốn ảo của DN niêm yết, theo ông các cơ quan quản lý, giám sát cần phải làm gì để bịt lỗ hổng pháp lý?
- Các DN khai tăng vốn điều lệ ảo thì theo quy định sai phạm của DN là nâng khống vốn. Tuy nhiên, phải nói đến cả trách nhiệm của cơ quan quản lý như kiểm toán, Sở KH&ĐT và Ủy ban Chứng khoán… quản lý buông lỏng hoặc cố ý tạo điều kiện cho DN thực hiện. Cơ quan Nhà nước không kiểm tra tính chính xác và trung thực trong thông tin đăng ký kinh doanh ở thời điểm DN thực hiện thủ tục đăng ký, là do cơ chế hậu kiểm còn chưa được quy định chặt chẽ.
Về quy trình, thủ tục cụ thể; về thời điểm, thời hạn kiểm tra với DN… đều chưa có quy định rõ ràng. Vì vậy, thiết nghĩ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần quy định về cơ chế “hậu kiểm” chi tiết, cụ thể hơn.
Việc tăng vốn ảo dẫn đến trắng, đen lẫn lộn. Đây là một kênh gọi vốn nên sẽ gây ảnh hưởng, làm mất niềm tin. Do đó, đây là một bài học về công tác quản lý. Quản lý phải có giám sát, kiểm tra.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật của người dân, DN; đồng thời, xem xét tăng chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN.
Xin cảm ơn ông!
"Cơ quan chức năng cần xem xét tăng chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN.
Bởi với mức phạt như hiện nay, DN có các hành vi sai phạm này cũng chỉ phải chịu phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng. Mức xử phạt này khá nhẹ, không “thấm” gì so với “hiệu quả PR” và các ý đồ khác mà nó đem lại với các DN khai khống vốn điều lệ, dẫn đến tình trạng có DN sẵn sàng chịu phạt nhằm đạt được mục đích của mình." - Luật sư Nguyễn Văn Tuấn
Phương Nga (thực hiện)