Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025 với kết quả kinh doanh tích cực, cho thấy sự phục hồi rõ nét nhờ mảng bất động sản khu công nghiệp.

Theo báo cáo, trong quý II vừa qua, VGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.254 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm nổi bật nằm ở lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 539 tỷ đồng, tăng 216% so với cùng kỳ năm 2024.

Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Viglacera cho biết, lợi nhuận sau thuế quý II năm 2025 tăng 216% so với cùng kỳ năm 2024 (tương ứng tăng 369,13 tỷ đồng) chủ yếu do lợi nhuận mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp quý II năm nay tăng so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần hợp nhất của Viglacera đạt 6.094 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 838 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 14% và 105% so với cùng kỳ năm 2024.

viglacera-da-vuot-ke-hoach-loi-nhuan-nam-2023-chi-sau-7-thang-10-2630jpg-6886ee8c63985.jpg
Ảnh minh họa

Theo thuyết minh báo cáo, động lực chính góp phần thúc đẩy lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng mạnh trong quý II vừa qua đến từ hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp, đặc biệt tại các dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh) khi tiếp tục thu hút dòng vốn FDI từ các nhà sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác; Khu công nghiệp Đồng Văn IV (Hà Nam) tăng trưởng tốt nhờ dòng vốn từ Hàn Quốc và Trung Quốc; Khu công nghiệp Tiên Sơn mở rộng đã hoàn thiện hạ tầng, bàn giao cho nhiều đối tác lớn trong ngành thực phẩm và logistics.

Ngoài ra, KCN Thuận Thành I (Bắc Ninh) cũng bắt đầu ghi nhận doanh thu khi bước vào giai đoạn bàn giao mặt bằng…. Các dự án này giúp Viglacera ghi nhận dòng tiền và lợi nhuận ổn định trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở còn nhiều thách thức.

Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của Viglacera đạt 25.502 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 24.827 tỷ đồng hồi đầu năm, trong đó: Vốn chủ sở hữu đạt 10.842 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của VGC ở mức 14.626 tỷ đồng, trong đó: Nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn với 8.361 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm khi được ghi nhận ở mức 8.746 tỷ đồng.

Ra đời cách đây 50 năm trước với tiền thân là Công ty Gạch ngói Sành sứ Xây dựng trên cơ sở sáp nhập 18 nhà máy, xí nghiệp sản xuất gạch gói đất sét nung. Trải qua nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, đến nay Viglacera đã trở thành doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và “ông trùm” trong lĩnh vực xây dựng kinh doanh bất động sản công nghiệp ở phía Bắc.

Với lĩnh vực bất động sản, Viglacera tham gia từ năm 1998, đến nay đã sở hữu 15 khu công nghiệp trong và ngoài nước, diện tích hơn 4.000 ha, thu hút đầu tư tới 18 tỷ USD; trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 70%.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn là nhà đầu tư của 18 khu nhà ở; 1 khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao…

Hiện Viglacera đặt mục tiêu mở rộng thêm quỹ đất khu công nghiệp tại các địa phương đang phát triển hạ tầng mạnh như Thái Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang. Công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp – mảng được kỳ vọng sẽ mang lại tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn./.