LTS: Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt. Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
“Căn bệnh” lãng phí đã “lây lan” đến nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Hàng nghìn dự án, công trình bị “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa là mối hoạ lớn cho đất nước…
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 191 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32/2021) và Quyết định số 192 kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, và từ thực tiễn, chúng tôi đăng tải tuyến bài viết về các dự án bất động sản bỏ hoang gây lãng phí và bức xúc cho người dân, với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc đẩy nhanh tiến độ dự án, khơi thông nguồn lực để tránh lãng phí tài sản, tài nguyên đất đai của doanh nghiệp và Nhà nước.
Trong báo cáo tổng hợp giải quyết kiến nghị cử tri năm 2024, UBND TP. Hà Nội đã cung cấp thông tin về dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ tại huyện Đông Anh. Dự án này nằm tại ô đất CT5, khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, do Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Tổng công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư.
Liên doanh Viglacera và Handico được giao 3 lô đất CT3, CT4, CT5 để xây dựng nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Kim Chung. Trong đó, 2 lô đất CT3 và CT4 với tổng diện tích 3,7 ha đã hoàn thành 1.588 căn hộ và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, dự án nhà ở xã hội tại lô đất CT5 vẫn chưa được triển khai.
Theo kiến nghị của cử tri huyện Đông Anh, dự án nhà ở xã hội CT5 tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung đã có thông báo thu hồi đất từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Cử tri đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và giải quyết các vướng mắc, để người dân trong khu vực quy hoạch dự án được thực hiện các quyền lợi sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Trong biên bản trả lời, UBND TP. Hà Nội cho biết dự án này có diện tích khoảng 14.330 m2. Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2009 và điều chỉnh vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa được giao đất và cho thuê đất.
Trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã ra nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy tiến độ đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, trong đó có dự án của liên danh Handico và Viglacera.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Nếu nhà đầu tư vẫn không triển khai, UBND TP. Hà Nội sẽ xem xét chấm dứt dự án theo quy định pháp luật.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) đã báo cáo tình hình kinh doanh kết thúc năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Cụ thể, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho biết, mọi chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của toàn doanh nghiệp đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao: Nộp ngân sách 1.677 tỷ đồng, đạt 152,5% kế hoạch, tăng 39,8%; doanh thu 11.090 tỷ đồng, đạt 103,6% kế hoạch, tăng 3,6%; lợi nhuận 1.700 tỷ đồng, đạt 141,7% kế hoạch, tăng 41,7% so với năm ngoái.
Đời sống, việc làm của người lao động được bảo đảm, thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo Handico, toàn Tổng công ty đạt 12.052 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch và tăng 3,9% so với năm 2023 - là năm thứ 9 liên tiếp giữ vững chỉ tiêu này ở mức trên 10.000 tỷ đồng.
Được biết, Handico được thành lập từ năm 1999, là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động theo mô hình tổng công ty 90 của TP. Hà Nội. Hiện tại, UBND TP. Hà Nội vẫn sở hữu 100% vốn tại doanh nghiệp này./.