Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Tây Bắc, TP Phan Rang - Tháp Chàm.
Theo đó, Công ty CP Đầu tư Phát triển Cyoung Việt Nam là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào ngày 16/2/2024; điều chỉnh, bổ sung vào ngày 18/6/2024 (điều chỉnh thời gian hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày nhận quyết định chủ trương nhà đầu tư thay vì kể từ ngày Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất).
Dự án được thực hiện tại phường Phước Mỹ và xã Thành Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm với diện tích 91,37 ha. Quy mô dân số dự kiến từ 6.000 - 8.000 người.
Dự án gồm sản phẩm nhà ở và quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; trong đó, diện tích đất ở khoảng 36,17 ha, bao gồm đất nhóm nhà ở kết hợp dịch vụ 25,60 ha; đất nhóm nhà ở mật độ thấp kết hợp dịch vụ 5,19 ha; đất nhóm nhà ở tái định cư 5,38 ha. Đất xây dựng nhà ở xã hội là 6,1 ha.
Vốn đầu tư của dự án hơn 7.750 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí thực hiện dự án (m1) sơ bộ hơn 7.147 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (m2) hơn 603 tỷ đồng.
Tiến độ triển khai thực hiện dự án trong vòng 7 năm được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2025 đến 2029 gồm 3 dự án thành phần là dự án thành phần 1 có quy mô diện tích 15,98 ha, dự án thành phần 2 quy mô diện tích 31,66 ha và dự án thành phần đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ dự án.
Giai đoạn 2 từ năm 2029 đến năm 2031 gồm dự án thành phần 3 quy mô 23,87 ha và dự án thành phần 4 quy mô 19,86 ha.
Trước đó, để tuyển chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, giữa tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Tây Bắc.
Theo đó về năng lực tài chính, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu thu từ 15% tổng mức đầu tư trở lên, tương đương 1.162 tỷ đồng trở lên.
Về kinh nghiệm thực hiện dự án, nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh, đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính phải có 1 dự án loại 1 (tức dự án hoàn thành trong vòng 7 năm trở lại đây, có tổng mức đầu tư tối thiểu là 3.875,27 tỷ đồng; nhà đầu tư đã góp vốn chủ sở hữu với giá trị tối thiểu là 581,29 tỷ đồng).
Về Công ty CP Đầu tư Phát triển Cyoung Việt Nam, theo tìm hiểu, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 1/2019 (có trụ sở tại Hà Nội) với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập gồm Phương Mạnh Cường (75%), Lê Thị Trang (15%), Nguyễn Hải Long (10%).
Tháng 10/2020, doanh nghiệp tăng mạnh vốn điều lệ lên 240 tỷ đồng. Qua ba lần tăng vốn, đến tháng 6/2023, vốn điều lệ của Cyoung Việt Nam đạt 1.600 tỷ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Xuân Hải./.