Số liệu trên được Bộ Xây dựng cho biết tại Báo cáo Thị trường bất động sản quý 3/2023.
Theo đó, tại báo cáo trên, đơn vị quản lý ngành xây dựng cả nước dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến 31/8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với ngày 30/7/2023.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 266.248 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 40.622 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, chế xuất là 56.571 tỷ đồng; dư nợ đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 53.860 tỷ đồng....
Biểu đồ cho vay tín dụng bất động sản tại các ngân hàng. Ảnh chụp màn hình
Cũng theo báo cáo, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.
Cụ thể, trong các tháng đầu năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 2,0% so với cuối năm 2022).
Riêng với thị trường bất động sản, thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có các văn bản chỉ đạo về việc cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS, góp phần tháo gỡ và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 2931/NHNN-TD ngày 24/4/2023 chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình BĐS phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Đồng thời, xem xét việc cấp tín dụng đối với chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS.
Kết quả khảo sát về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) thì các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn....
Minh Quân