Mới đây, phát biểu về các nội dung kinh tế - xã hội được cử tri quan tâm tại kỳ họp HĐND, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, kinh tế Thủ đô dự kiến duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, ước đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ đạt 6,27%). Nếu triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng trưởng có thể đạt 6,57%.
Theo ông Thanh, thời gian qua, nhiều công trình lớn đã được thành phố đưa vào hoạt động; trong đó có tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Dù trước đây công trình này tưởng chừng như "vỡ trận", nhưng nhờ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành và sự nỗ lực của thành phố, tuyến đường sắt trên cao đã chính thức được vận hành thương mại.
Hiện thành phố đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông với kế hoạch xây dựng tổng cộng 18 cây cầu vượt sông. Hiện tại, đã có 8 cây cầu được đầu tư xây dựng. Ngoài cầu Long Biên, thành phố dự kiến sẽ xây dựng thêm 9 cây cầu mới.
Theo kế hoạch, bằng việc áp dụng Luật Thủ đô mới, một số cây cầu quan trọng như cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi sẽ được khởi công trong nửa đầu năm 2025.
Trước đó, thời gian khởi công xây dựng cầu Tứ Liên được đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết dự kiến vào quý III/2025.
Liên quan đến việc xây dựng cây cầu này, được biết, để đẩy nhanh tiến độ dự án, vừa qua, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hình thành liên danh nhà thầu tham dự đấu thầu theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) cho dự án cầu Tứ Liên.
Đáng chú ý, Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đều là những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phát triển đô thị và xây dựng hạ tầng. Trong đó, Vingroup là Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, với công ty con Vinhomes đang quản lý, vận hành 30 khu đô thị trên khắp cả nước.
Ngoài ra, Vingroup cũng có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn. Điển hình là dự án đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở (Hà Nội), với thời gian thi công vượt 3 tháng so với kế hoạch.
Trong khi đó, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương là doanh nghiệp xếp thứ 96 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, thứ 19 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này hiện đang vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp và các dự án đô thị tại đất nước tỷ dân.
Như vậy, với việc việc hai bên hợp tác hình thành liên danh tổng thầu EPC là bước tiến quan trọng hướng tới việc khởi công xây dựng cầu Tứ Liên đúng kế hoạch.
Trước đó, vào giữa tháng 10, Tập đoàn Vingroup đã gửi đề xuất lên UBND TP. Hà Nội về việc tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT).
Theo quy hoạch, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5 km; trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9 km; cầu chính dài 1 km với 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ./.
Cầu được thiết kế theo dạng cầu dây văng, kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ. Ngoài ra, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình và kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội.
Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng, cầu Tứ Liên được thiết kế có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng là khu vực dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm (thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ) với bờ Đông sông Hồng là khu vực thuộc địa phận huyện Đông Anh.
Dự án có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao quốc lộ 5, với 5 nút giao là nút giao Nghi Tàm, nút giao Hữu Hồng, nút giao kết nối bãi giữa, nút giao Tả Hồng và nút giao Quốc lộ 5 kéo dài.
Hiện bờ phía Tây là là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất cao do đang là vành đai chính kết nối đầu cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương. Vì vậy, sau khi đi vào hoạt động, cầu Tứ Liên không chỉ san sẻ áp lực cho các cầu hiện hữu mà còn làm gia tăng hiệu quả phân luồng giao thông, cũng như giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường chính./.