Do cổ phiếu HPX giảm sàn liên tục vượt quá 5 phiên, theo quy định, công ty đã phải có văn bản giải trình.

Văn bản giải trình cổ phiếu HPX liên tục giảm sàn thời gian qua.

Đến phiên giao dịch ngày 29/11, cổ phiếu HPX đã có chuỗi giảm sàn thứ 10 liên tiếp, chốt tại 8.500 đồng/cp, với dư bán sàn 69 triệu đơn vị, tương ứng mất gần 80% kể từ đầu năm. Đà trượt dốc đẩy HPX xuống mức giá thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE.

Việc cổ phiếu HPX tiếp tục giảm sâu trong bối cảnh nhiều cổ phiếu bất động sản (BĐS) tiếp tục được giải cứu khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi về tình kinh doanh của HPX.

Báo cáo tài chính của HPX cho thấy do chi phí tài chính tăng vọt trong đó chi phí lãi vay chiếm 94,6 tỷ đồng (tăng 11,4 lần so với quý 3/2021) khiến 9 tháng, với doanh thu 1.307,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 123 tỷ đồng tương đương giảm 36% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến mức lãi vay của HPX tăng mạnh đến từ các khoản dư nợ vay của công ty có giá trị đến 4.754 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46% trên tổng tài sản.

Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu 2.700 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận đạt 450 tỷ đồng. Theo đó, 3 quý mới chỉ thực hiện được 48,4% kế hoạch doanh thu và 27,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của HPX tăng 7% so với đầu năm lên 10.286 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho đạt 3.807 tỷ đồng. Về dòng tiền kinh doanh, Công ty tiếp tục ghi nhận âm 126 tỷ đồng. Theo các chuyên gia tình hình kinh doanh của HPX chưa báo động nhưng gánh nặng trái phiếu lên đến 3.753,7 tỷ đồng chiếm 36,5% tổng tài sản; Đồng thời Chủ tịch HĐQT của HPX liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, là những áp lực.

CTCK Mirae Asset (MAS) vừa thông báo về việc sẽ bán giải chấp cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HPX. Số lượng cổ phiếu HPX dự kiến bán là 3,8 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện từ ngày 24/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của MAS.

Tương tự, Chứng Khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng thông báo việc bán giải chấp hơn 1,1 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của Chủ tịch HPX. Thời gian thực hiện cũng là từ ngày 24/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.

Đây là động thái tiếp theo trong chuỗi “call margin” hàng loạt của các Công ty Chứng khoán đối với lãnh đạo của Công ty này khi giá cổ phiếu HPX liên tục lao dốc mạnh.

Trong báo cáo tài chính riêng lẻ, thuyết minh cho thấy ngoài nợ trái phiếu, HPX có các khoản vay các ngân hàng, vay các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, thì HPX còn có các khoản vay từ các Công ty Chứng khoán MB và Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam, thế chấp bằng chính cổ phiếu HPX. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khi thị trường chứng khoán giảm sâu, các đơn vị này đã mang cổ phiếu HPX ra bán giải chấp...

Báo cáo tài chính riêng lẻ  quý 3/2022 cho thấy ngoài các khoản vay ngân hàng và các tổ chức cá nhân, HPX còn vay vốn các Công ty Chứng khoán.

Trong văn bản giải trình cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, Ban Lãnh đạo HPX cho biết công ty hiện vẫn đang hoạt động bình thường, không có thông tin làm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. “Cổ phiếu HPX được niêm yết công khai trên HoSE, giá cổ phiếu giảm là do cung cầu thị trường, yếu tố tâm lý thị trường và một số điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản”.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 5/2021 – 1/2022 HPX đã thực hiện phát hành thành công 15 đợt phát hành trái phiếu, huy động được 3.950 tỷ đồng, gồm trực tiếp HPX (3.450 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Hải Phát Retail (100 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát (400 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này chủ yếu là các cổ phần công ty con của HPX, cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của một số cá nhân, các dự án/tài sản phát sinh từ dự án như Kalong Riverside (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), dự án Roman Plaza (TP. Hà Nội), dự án The Pride (TP. Hà Nội), dự án HP Intermix Bắc Giang (TP. Bắc Giang), lô đất thương mại dịch vụ dự án Cồn Tân Lập, Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)…

Dương Thuỳ