Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại đã “đua nhau” tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Thống kê từ đầu tháng 5 đến nay cho thấy, đã có khoảng hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, SHB và MB….
Mới đây nhất, sáng 3/6, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã tăng lãi suất huy động thêm 0,3%/năm với các kỳ hạn từ 1-12 tháng. Theo đó, lãi suất mới nhất kỳ hạn 1-2 tháng là 2%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 2,3%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng là 3,3%/năm. Các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên, gồm: 12-18 tháng là 4,7%/năm và 24-36 tháng là 5%/năm.
Cũng trong sáng 3/6, biểu lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng chính thức điều chỉnh tăng mạnh tại tất cả các kỳ hạn với mức trung bình từ 0,3-0,4%/năm.
Mặc dù vậy, bước sang tháng 6, lãi suất cho vay mua nhà tại các nhà băng ít biến động. Theo khảo sát, thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 này chỉ có một vài nhà băng tăng, giảm lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà.
Cụ thể, tại ACB lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà của nhà băng này áp dụng đầu tháng 5 là 7%/năm, tuy nhiên, đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, mức lãi suất này đã được điều chỉnh lên 7,30-8%/năm, tăng khoảng 0,30-1%/năm.
Tại VIB lãi suất cũng có chiều hướng tăng vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Hiện nhà băng này đang niêm yết mức lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 6,9%/năm, tăng khoảng 1% so với hồi đầu tháng 5.
Trái ngược xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất của các nhà băng trên, một số ngân hàng cuối tháng 5 và đầu tháng 6 này đang niêm yết giảm mạnh lãi suất cho vay. Điển hình như tại OCB lãi suất cho vay giảm xuống còn 6,3%/năm (giảm 0,59%), tại TPBank giảm tới 1,20% từ 7,5% xuống còn 6,3%/năm. Riêng tại Vietcombank – “ông lớn” này điều chỉnh lãi suất cho vay ưu đãi chỉ còn 5%, giảm tới 1,40% so với con số 6,4% áp dụng vào đầu tháng 5.
Ngoài các ngân hàng trên, còn lại hầu hết các nhà băng khác gần như không có thay đổi về mức ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà so với tháng 5.
Cụ thể, tại BVBank đang niêm yết mức lãi suất thấp nhất chỉ từ 5%/năm áp dụng cho các khoản vay mua, xây dựng, xây sửa nhà, biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Lãi suất thả nổi của BVBank dao động từ 9,5%/năm-10%/năm.
Tại SeABank, lãi suất ưu đãi vay mua nhà từ 5,5% cố định trong 12 tháng đầu. Tại SHB mức ưu đãi lãi suất cũng tương tự, chỉ từ 5,79% với gói vay trung dài hạn.
Techcombank: 6,3% cố định trong 12 tháng, 6,8% cố định trong 18 tháng, 7,5% cố định trong 24 tháng. Hết thời gian ưu đãi sẽ tính lãi suất thả nổi với biên độ 3,5%. Như vậy, sau “khuyến mại” lãi suất cho vay mua nhà tại nhà băng này sẽ nâng lên từ 10-11%/năm.
Tại VPBank mức lãi suất 6,8%/năm được áp dụng cố định trong 12 tháng; 7,8%/năm cố định trong 18 tháng hoặc 9,9%/năm cố định trong 24 tháng. Biên độ 3,5%. Như vậy, sau ưu đãi, lãi suất thả nổi của nhà băng này có thể lên mức 13,5%/năm.
Tại BIDV tối thiểu 5,5%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu 60 tháng. VietinBank, lãi suất vay trung, dài hạn từ 5,6%/năm. Tại Agribank, từ 5,5%/năm với khoản vay trung và dài hạn.
Tại Sacombank là 7% cố định trong năm đầu hoặc 7,5% cố định trong 2 năm đầu. Tại MSB là 8% cố định trong 12 tháng đầu hoặc 9,5% cố định trong 2 năm đầu.
Đáng chú ý, ngoài các ngân hàng trong nước, một số ngân hàng nước ngoài như UOB, Wooribank, Shinhanbank... cũng đang niêm yết mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ từ 5,5-6,8%/năm.
Liên quan đến việc này, trước đó, ngày 30/5, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí, đơn giản hóa quy trình cho vay và tăng cường sử dụng công nghệ thông tin cũng như tiến trình chuyển đổi số. Mục tiêu là giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân./.