Thời gian qua, việc thiếu hụt nguồn cung mới đã khiến cho giá nhà ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội tăng phi mã. Mới đây, Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị tại các huyện vùng ven.

Cụ thể, danh mục phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Đông Anh gồm danh mục 513 dự án với tổng diện tích gần 5.325ha, trong đó có nhiều dự án khu đô thị, nhà ở quy mô lớn.

Đơn cử như dự án xây dựng Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh với quy mô hơn 265ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 34.879 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) - công ty con Vingroup - làm chủ đầu tư.

Tiếp đến là dự án Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh. Dự án trên có quy mô 268ha, tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 33.093 tỷ đồng. Dự án do liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Long Hải làm chủ đầu tư.

Dự án Thành phố thông minh quy mô 271ha, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (NHSC) - liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) thực hiện.

677dcf1d24e09.jpg
Ảnh minh họa

Dự án Công viên văn hóa, Du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy có quy mô 101ha do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại ô đất CT3, CT4 Khu đô thị mới Kim Chung do Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, còn một số dự án đăng ký mới trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025, gồm: Dự án Xây dựng khu đô thị mới G21 (gần 44ha), Xây dựng khu đô thị mới G22 (gần 88ha), Xây dựng khu đô thị mới G23 (gần 53ha), Khu đô thị mới The Lake City Ven Sông Thiếp - Đông Anh (165ha), Xây dựng khu đô thị mới G6 (hơn 38ha), Khu đô thị mới Xuân Canh (gần 57ha), Xây dựng khu đô thị mới G1 (hơn 45ha), Xây dựng khu đô thị mới G3 (gần 80ha), Xây dựng khu đô thị mới G4 (gần 96ha)…

Trước đó, Hà Nội cũng đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của huyện Mê Linh với 104 dự án, trong đó có nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở, như khu đô thị mới CEO Mê Linh là dự án đã có trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện 2 năm trở lên được tiếp tục thực hiện theo Luật Đất đai.

Các dự án nhà ở đăng ký mới trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 có Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong, dự án mở rộng Khu nhà ở Minh Giang Đầm Và tại xã Tiền Phong, Khu nhà ở Minh Đức…

Đây hầu hết là các dự án lớn, có tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, khi được xây dựng không những sẽ giúp giải cơn khát về nguồn cung cho thị trường bất động sản Hà Nội mà còn có thể kéo giảm giá nhà.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho rằng, hiện nay tại cả hai thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nhu cầu tự nhiên hàng năm đối với nhà ở là khoảng 50.000 ngôi nhà. Đây là kết quả của nhập cư, ra ở riêng của những người trưởng thành và số người trung bình trong một nhà giảm…

Con số về nguồn cầu này đã không được đáp ứng bởi hạn chế nguồn cung trong một thời gian, khiến nhu cầu về nhà ở bị dồn nén. Thêm vào đó, các yếu tố vĩ mô như thị trường vàng biến động đi kèm lãi suất ở ngưỡng thấp khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư hợp lý và có tính dài hạn, vô hình trung khiến nhu cầu tìm kiếm nhà ở tại thị trường Hà Nội càng tăng cao.

Do đó, để giảm giá nhà, vị chuyên gia khuyên, người mua nhà với nhu cầu ở thực có thể chọn lựa nguồn cung tại những địa phương lân cận như Hưng Yên hay Bắc Ninh, vùng Vành đai 4 hoặc Vành đai 3.5, dựa vào sự phát triển cơ sở hạ tầng.

“Hạ tầng vẫn là đòn bẩy quan trọng nhất trong việc thay đổi cấu trúc giá trị của thị trường nhà ở. Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo các khu vực ngoại ô “lại gần” với trung tâm thành phố hơn, giúp thời gian di chuyển giảm đi. Hơn hết, tại các tỉnh lân cận hoặc khu vực ngoại ô, chủ đầu tư có thể tiếp cận nguồn đất với chi phí thấp hơn, tạo ra nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hơn”, bà Hằng nhấn mạnh./.