Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa thông báo hạ xếp hạng tín nhiệm CFR của FE Credit (Corporate family rating – Đánh giá tín nhiệm dựa trên mối tương quan với các thành viên trong cùng tập đoàn) xuống B1 từ mức Ba3 và điều chỉnh triển vọng thành tiêu cực.
Moody’s cho biết, việc FE Credit bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm phản ánh khả năng thanh toán kém đi của công ty do chất lượng tài sản suy yếu và rủi ro thanh khoản bắt nguồn từ sự chênh lệch kỳ hạn đáng kể giữa tài sản có và tài sản nợ trong bối cảnh điều kiện huy động vốn eo hẹp trong nước, mặc dù đã được phần nào bù đắp bởi các cam kết tài trợ từ các cổ đông lớn.
Do đó, Moody’s đã quyết định hạ mức đánh giá độc lập của FE Credit từ B2 xuống Caa1.
Mặc dù đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức, Moody’s cũng kỳ vọng khả năng lớn FE Credit sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ các cổ đông lớn là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định) và Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG, hạng tín nhiệm A1, triển vọng ổn định), hiện sở hữu lần lượt 50% và 49% cổ phần tại FE Credit.
“Sự hỗ trợ này sẽ giảm thiểu một phần rủi ro về khả năng thanh toán và thanh khoản của FE Credit”, Moody’s nhận định.
Đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của FE Credit đã tăng lên 22%, so với mức 14% một năm trước đó. Nguyên nhân là do tỷ lệ nợ quá hạn của các khoản vay tài chính tiêu dùng tăng trong khi dư nợ cho vay giảm 9% vào năm 2022.
Theo Moody’s, chất lượng tài sản suy giảm phản ánh hồ sơ rủi ro cao vốn có của những khách hàng vay tài chính tiêu dùng của FE Credit - thường là những người có thu nhập thấp, cùng với đó là các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành yếu kém của công ty.
Mặc dù FE Credit đang có chiến lược giảm thiểu rủi ro thông qua việc thắt chặt các tiêu chí cho vay và chuyển cơ cấu khoản vay sang các khách hàng tiềm năng ít rủi ro hơn, nhưng theo Moody’s, chiến lược này liên quan đến rủi ro trong quá trình thực thi và sẽ mất thời gian để có thể hiện thực hoá.
Theo đó, cơ quan này đánh giá, rủi ro tài sản của FE Credit sẽ vẫn ở mức cao trong vòng 12-18 tháng tới.
Trong năm 2022, FE Credit đã báo lỗ với tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) giảm xuống âm 3,1% từ mức 0,4% năm 2021 do tổn thất tín dụng tăng cao.
Điều này dẫn tới tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình (TCE)/tài sản đã giảm xuống 17% vào cuối năm 2022, từ mức 20% một năm trước đó do khoản lỗ làm xói mòn cơ sở vốn.
Moody’s cho rằng chi phí tín dụng của FE Credit sẽ duy trì ở mức cao và tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng sinh lời cũng như vốn của công ty trong vòng 12-18 tháng tiếp theo.
Bên cạnh đó, FE Credit cũng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản trong điều kiện huy động vốn eo hẹp tại Việt Nam. Công ty có sự chênh lệch kỳ hạn đáng kể giữa tài sản có và tài sản nợ và sự phụ thuộc vào việc tái đầu tư hoặc tái cấp vốn của các quỹ bán buôn để tất toán các khoản nợ ngắn hạn của mình.
Tuy nhiên, Moody’s cho rằng, một phần rủi ro được bù đắp bằng sự hỗ trợ vốn liên tục từ các ngân hàng mẹ.
Cũng tại báo cáo này, Moody’s đã điều chỉnh điểm hồ sơ quản trị nhà phát hành của FE Credit thành G-4 (rất tiêu cực) từ mức G-3 (tiêu cực vừa phải) để phản ánh tác động tiêu cực của các cân nhắc về quản trị đối với xếp hạng của FE Credit.
Trước đó, Moody’s cũng đã công bố quyết định hạ triển vọng của ngân hàng mẹ VPBank từ tích cực xuống ổn định. Cơ quan này cho rằng, những khó khăn mà lĩnh vực bất động sản của Việt Nam và công ty con tài chính tiêu dùng FE Credit đang phải đối mặt sẽ làm chất lượng tài sản của ngân hàng xấu đi.