Thời gian qua, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, hầu hết các địa phương đã quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội với 1.309 vị trí, quy mô khoảng 9.756 ha đất làm nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 581.218 căn.

Riêng trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn); 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng (tăng khoảng 13% so với năm 2023, tương đương khoảng 3.000 căn); số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn (tăng khoảng 101% so với năm 2023).

Mặc dù vậy, so với mục tiêu được nêu ra trong đề án năm 2024 phải xây dựng 130.000 căn nhà ở xã hội thì năm qua, các tỉnh, thành phố cũng chỉ hoàn thành được hơn 16% kế hoạch.

67ac13efc164d.jpg
Ảnh minh hoạ

Trước tình trạng trên, không ít ý kiến cho rằng, Nhà nước không nên “vào cuộc” xây dựng nhà ở xã hội để có thêm nhiều nguồn cung và các đối tượng được thụ hưởng dễ tiếp cận hơn.

Liên quan đến việc trên, trao đổi tại toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc Nhà nước không đầu tư mà để cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội là chủ trương này rất đúng.

Theo ông Hùng, thực tế, Nhà nước đã hỗ trợ thông qua miễn giảm thuế đất đối với nhà ở xã hội và có chính sách để cho vay với lãi suất thấp. Đặc biệt, với người mua nhà ở xã hội được thông qua các chính sách nhà ở xã hội. Như vậy, nguồn lực Nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều, chứ không nhất thiết cần phải lập doanh nghiệp mới để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

“Tôi cho rằng, tương lai chúng ta chắc chắn sẽ làm được hàng triệu căn nhà ở xã hội, khi Chính phủ giao chỉ tiêu và đốc thúc theo dõi chỉ đạo các địa phương triển khai sẽ thực hiện được.

Tiếp đó, các ngân hàng cũng đã sẵn sàng dành nhiều nguồn lực có các gói mức vay ưu đãi lãi suất thấp để thực hiện dự án. Nếu có gói vay này, khi hoàn thiện thủ tục rồi, kỳ vọng có thể triển khai đầu tư nhà ở xã hội rất nhanh. Do đó, thời gian tới nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp sẽ tiếp cận được, đảm bảo đến năm 2030 có đủ 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội”, ông Hùng nhận định.

Liên quan đến việc này, mới đây, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4/2/2025 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai hiệu quả gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trước ngày 15/2/2025…/.