Trong tháng 6/2024, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục khi một loạt ngân hàng thương mại công bố biểu lãi suất mới, tăng ở nhiều kỳ hạn. Người gửi tiền hào hứng hơn trong khi doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ nhích lên trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại lớn đã chạm đáy 4,35%/năm vào cuối tháng 3/2024. Lãi suất huy động cùng kỳ hạn với nhóm ngân hàng thương mại khác và nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) chạm đáy lần lượt là 4,52%/năm và 4,68%/năm vào đầu tháng 4. Thế nhưng đến nay, lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại lớn và ngân hàng thương mại khác đã nhích lên, lần lượt đạt 4,75%/năm và 4,98%/năm.

Sau loạt ngân hàng gồm ABBank, SHB và OCB tăng lãi suất huy động hôm qua, trong đó ABBank chạm ngưỡng lãi suất 6%/năm kỳ hạn 12 tháng và SHB chạm ngưỡng 6,1% cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng trở lên, sáng nay (27/6) thêm Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) tăng lãi suất huy động lần thứ hai trong tháng.

Biểu lãi suất huy động trực tuyến được VietA Bank niêm yết cho thấy, lãi suất các kỳ hạn từ 1-36 tháng đồng loạt tăng thêm 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 tháng lĩnh lãi cuối kỳ là 3,4%/năm, kỳ hạn 2 tháng 3,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,7%/năm và kỳ hạn 4-5 tháng có lãi suất mới là 3,8%/năm.

Hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trở lại
Hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trở lại

Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6-11 tháng được VietA Bank tăng lên 4,8%/năm, trong khi các kỳ hạn 12-13 tháng được niêm yết tại 5,4%/năm, kỳ hạn 15 tháng lãi suất 5,5%/năm và kỳ hạn 18 tháng có lãi suất lên đến 5,7%/năm. Lãi suất huy động cao nhất tại VietA Bank là 5,8%/năm dành cho kỳ hạn gửi tiền từ 24-36 tháng. Đây cũng là mức lãi suất phổ biến hiện nay ở các kỳ hạn dài, sau khi hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất. Tuy nhiên, VietA Bank cho hay vẫn có thể áp dụng mức lãi suất khác so với biểu lãi suất đối với một số khách hàng và không vượt mức lãi suất tối đa do Ngân hàng Nhà nước quy định theo từng thời hạn.

Sau khi loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động, tới nay có 4 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi tại mức 6,1%/năm, mức cao nhất theo công bố, gồm: SHB (áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng trở lên), OceanBank (kỳ hạn 18-60 tháng), NCB (kỳ hạn 18-60 tháng) và HDBank (kỳ hạn 18 tháng).

Mức lãi suất 6%/năm cũng được coi là hấp dẫn và chỉ xuất hiện trong biểu lãi suất huy động của số ít ngân hàng như ABBank (kỳ hạn 12 tháng) và OCB (kỳ hạn 36 tháng). Trong khi đó, mức lãi suất huy động 5,8%-5,9%/năm ngày một dày đặc trên bảng thống kê lãi suất của các ngân hàng. 

VCBS đánh giá, lãi suất huy động không còn dư địa để giảm tiếp trước áp lực của tỷ giá và lạm phát. Trong đó, áp lực lạm phát sẽ gia tăng từ quý III/2024 do giá lương thực, giá điện, giá nhà và điều chỉnh tiền lương. Áp lực từ chênh lệch tỷ giá USD/VND cũng khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm.

VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III/2024, tăng 0,3-0,5%. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể tăng 0,5-1%. Tuy nhiên, trước bối cảnh các kênh đầu tư khác khó tăng cao, kể cả bất động sản, chứng khoán và vàng đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát thị trường, bình ổn giá, nên nguồn tiền nhàn rỗi tiếp tục chọn ngân hàng trú ẩn.

MBS cho rằng lợi nhuận ròng (NIM) sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo giảm thêm trong thời gian tới. Diễn biến này trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết NH.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong quý III hoặc quý IV/2024 nhưng lãi suất cho vay sẽ cố gắng giữ ở mức hiện tại. Lãi suất tiền gửi nhích lên do có một số kênh đầu tư hấp dẫn hơn tạo áp lực tăng lãi suất huy động nhưng không nhiều. Thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao nửa cuối năm./.