z4532348775174_ba7da6b133e0398a5cb350f01b1e31b7_20230720141843.jpg

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Những ông chủ mới bí ẩn của PGBank

Trong suốt thời gian dài, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sở hữu vốn vượt mức quy định tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Vì vậy, thoái vốn khỏi PGBank là nhiệm vụ cấp bách của Petrolimex.

Năm 2021, thị trường ngân hàng dậy sóng khi có nhiều tin đồn cho rằng Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank – MSB) sẽ thâu tóm PGBank. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Thực tế cho thấy, những ông chủ mới của PGBank là những cái tên rất lạ, không liên quan nhiều đến tài chính.

Ngày 7/4/2023, Petrolimex đã bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB của PGBank cho 4 nhà đầu tư, trong đó ba tổ chức và một cá nhân. Mức giá mua bình quân là 21.400 đồng/CP.

Ba tổ chức đã mua đấu giá cổ phiếu PGB gồm: Công ty cổ phần Quốc Tế Cường Phát (Công ty Cường Phát) sở hữu 40,6 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 13,54% vốn điều lệ của ngân hàng; Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức (Công ty Vũ Anh Đức) sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 13,36%; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (Công ty Gia Linh) với 39,3 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 13,1%.

Số lượng cổ phiếu ba cổ đông này sở hữu là xấp xỉ 120 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 40% vốn điều lệ của PGBank.

Như vậy, số tiền mà Công ty Cường Phát, Công ty Vũ Anh Đức và Công ty Gia Linh phải chi ra để thành cổ đông lớn của PGBank lần lượt là khoảng 869 tỷ đồng, 856 tỷ đồng và 841 tỷ đồng.

Công ty Cường Phát: Vốn 10 tỷ đồng, chi 869 tỷ đồng mua PGBank

Tình hình tài chính Công ty Cường Phát có nhiều điểm khá lạ trước khi trở thành cổ đông lớn của PGBank. Đó là khi đấu giá PGB, vốn điều lệ công ty chỉ… 10 tỷ đồng. Trước đó, công ty có thời gian dài thua lỗ và thậm chí âm vốn chủ sở hữu.

Công ty Cường Phát thành lập ngày 9/2/2015 tại thôn Kính Nỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Mạnh. Ngành nghề kinh doanh của công ty là “vận tải hàng hóa bằng đường bộ”.

Ở thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 8 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: Ông Nguyễn Văn Mạnh (sở hữu 50% vốn điều lệ), ông Nguyễn Trường Sơn (sở hữu 25% vốn), ông Nguyễn Bá Thao (sở hữu 12,5% vốn) và ông Vũ Văn Túc (sở hữu 12,5% vốn).

Các cổ đông sáng lập thoái vốn, chỉ còn lại ông Nguyễn Văn Mạnh (50% vốn) và ông Nguyễn Trường Sơn (25% vốn). Danh sách cổ đông mới không được tiết lộ.

Sau đó, vốn điều lệ công ty Cường Phát tăng lên 100 tỷ đồng rồi bất ngờ giảm xuống 10 tỷ đồng tại ngày 9/4/2021.

Tới ngày 20/4/2023, tức là khoảng nửa tháng sau phiên đấu giá cổ phiếu PGB của Petrolimex mà Cường Phát thắng đấu giá, vốn chủ sở hữu công ty mới tăng lên 882 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với con số 869 tỷ đồng mà Cường Phát chi ra để trở thành cổ đông lớn của PGBank.

Cần phải nhấn mạnh, trước đó, Cường Phát có bức tranh tài chính vô cùng bết bát, khó thể đủ năng lực để trở thành ông chủ ngân hàng.

Trong giai đoạn 2017-2020, công ty lỗ lần lượt 265 triệu đồng (năm 2017), 289 triệu đồng (năm 2018), 417 triệu đồng (năm 2019) và 316 triệu đồng (năm 2020). Bước sang năm 2021, công ty lỗ tới 7,8 tỷ đồng.

Kết quả là, từ năm 2017 đến 2020, vốn chủ sở hữu công ty chỉ khoảng 7 tỷ đồng nhưng tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu công ty đã âm 6,9 tỷ đồng.

Những dữ liệu này khiến giới đầu tư tài chính cho rằng có nhân vật “giấu mặt” nào đó thâu tóm Cường Phát, để từ đó Cường Phát thâu tóm PGBank.

Công ty Vũ Anh Đức: Vốn 40 tỷ, chi 856 tỷ đồng mua PGBank

Không kinh doanh bết bát như Cường Phát nhưng Công ty Vũ Anh Đức ghi nhận lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2017-2021 rất thấp, chỉ từ 183 triệu đồng tới 381 triệu đồng. Tuy nhiên, hai cái tên này có cùng chung một kịch bản. Đó là không lâu sau phiên đấu giá cổ phần PGBank của Petrolimex, vốn điều lệ công ty tăng rất mạnh.

Cụ thể, Công ty Vũ Anh Đức thành lập ngày 9/6/2010 tại Khu dân cư Lĩnh Đông, phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Đạt. Ngành nghề chính của công ty là khai khoáng.

Tại ngày 18/3/2016, vốn điều lệ công ty tăng từ 5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn liên tiếp, tới đầu năm 2023, vốn điều lệ công ty mới là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới ngày 28/4/2023, hơn 20 ngày kể từ phiên đấu giá PGBank, vốn điều lệ công ty vọt lên 900 tỷ đồng.

Công ty Gia Linh: Vốn 8 tỷ đồng, mua cổ phiếu PGBank trị giá 841 tỷ đồng

Công ty Gia Linh cũng có kịch bản giống hệt Công ty Cường Phát và Vũ Anh Đức. Đó là tăng vốn rất mạnh không lâu sau khi đấu giá thành công cổ phiếu PGBank.

Công ty Gia Linh thành lập ngày 8/10/2010 tại số nhà 103, ngõ 79, đường Cầu Giấy, tổ 7, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội với ngành nghề chính là dịch vụ in. Người đại diện pháp luật của công ty là bà Phạm Thị Phương.

Công ty có chuỗi năm dài vốn điều lệ chỉ 8 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Phạm Thị Phương (sở hữu 90% vốn), ông Võ Trọng Phú (sở hữu 10% vốn).

Nhưng tới ngày 29/4/2023, vốn điều lệ công ty tăng vọt từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Phạm Thị Phương (sở hữu 0,84% vốn), ông Võ Trọng Phú (sở hữu 0,09% vốn) và ông Nguyễn Tiến Dũng (sở hữu 99,07% vốn).