Huy động nhiều lô trái phiếu vào mục đích phát triển bất động sản

Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI mới đây đã có văn bản gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022.

Tại thông báo trên, doanh nghiệp này cho biết, trong năm qua đã thanh toán 110 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu vào ngày 1/4/2022. Đây là lô trái phiếu có thời hạn 36 tháng được phát hành vào ngày 31/7/2020 với tổng mệnh giá là 750 tỷ đồng.

Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của DOJI.

Đáng chú ý, vào các ngày từ 16-26/12/2022, DOJI đã hoàn thành tất toán 2.100 tỷ đồng của 4 lô trái phiếu có ký hiệu: DVPCH2126001, DVPCH2126002, DVPCH2126003 và DVPCH2126004.

Theo tìm hiểu, đây hầu hết là các lô trái phiếu được DOJI phát hành với mục đích dùng số tiền thu được để hợp tác kinh doanh, đầu tư với các công ty thành viên và nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Dữ liệu của HNX cho thấy, chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 năm từ 31/7/2020- 20/9/2021 doanh nghiệp này đã phát hành 5 lô trái phiếu liên tiếp với tổng mệnh giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 31/7/2020, Công ty cổ  phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã phát hành lô trái phiếu DOJI.L.20.23.001 với giá trị 750 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 24/5/2021, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc này tiếp tục phát hành lô trái phiếu DVPCH2126001 với mệnh giá 300 tỷ đồng. Sau đó, tròn 1 tháng, vào ngày 24/6/2021 lại tiếp tục cho lưu hành ra thị trường một lô trái phiếu DVPCH2126002 cùng với mệnh giá 300 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong tháng 9/2021, DOJI đã phát hành 2 lô trái phiếu với mệnh giá 1.500 tỷ đồng, gồm các mã DVPCH20126003 và DVPCH2126004 vào các ngày 9/9/2021 và 20/9/2021.

Một số lô trái phiếu do DOJI phát hành. 

Tuy nhiên, trong năm 2022, khi nhiều vụ huy động trái phiếu trái quy định của pháp luật, điển hình như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát được phanh phui đưa ra ánh sáng, trong tháng 12/2022, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã ráo riết mua lại trước hạn toàn bộ 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.100 tỷ đồng.

Dữ liệu của HNX cho thấy, hiện ông lớn vàng bạc đá quý này chỉ còn dư nợ duy nhất lô trái phiếu DOJI.L.20.23.001 với khối lượng đang lưu hành là 1.400.000 và mệnh giá là 100.000 đồng/ trái phiếu, tương đương 140 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, DOJI được biết đến bởi sở hữu nhiều toà nhà ở “vị trí vàng” của Hà Nội và TP.HCM, như: Tòa nhà DOJI Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội do hợp tác đầu tư với Hapro đang được DOJI sử dụng làm trụ sở chính; tòa nhà Ruby Plaza tại số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội; tòa nhà Ruby Tower số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP. HCM.

Ngoài ra, “ông lớn” vàng bạc này còn đang có quỹ đất lớn tại một số dự án như: Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; Dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô 4,77 ha, tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng.

DOJI đang làm ăn ra sao?

Tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/7/1994 bởi ông Đỗ Minh Phú, TTD sớm tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế.

Năm 2007, TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI. Cùng năm này, DOJI chính thức khai trương Ruby Plaza tại Hà Nội vào ngày 30/6 - một trong những trung tâm vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

Năm 2009, DOJI chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Thời điểm này, doanh nghiệp bắt đầu mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực thay vì chỉ vàng bạc, đá quý.

Đáng chú ý, 10 năm sau ngày chính thức hoạt động theo mô hình tập đoàn, DOJI đã khánh thành toà nhà DOJI Tower hình viên kim cương độc đáo bậc nhất Thủ đô tại số 5 Lê Duẩn, Ba Đình, Hà Nội.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của HNX cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này tăng nhẹ lên mức 3.515 tỷ so với mức 3.346 tỷ của năm 2019. Lợi nhuận sau thuế trong năm cũng tăng hơn 18% so với năm 2019.

Một số chỉ tiêu kinh doanh của DOJI trong năm 2020.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ mức 1,64 lần xuống còn 1,58 lần.

Hiện dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2020 là 0,21 lần.

Tính đến nay, DOJI có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán...

15 công ty thành viên của DOJI gồm: Công ty TNHH Thế Giới Kim Cương, Công ty Cổ phần Thế giới Kim Cương TGKC, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land, Công ty Cổ phần VBĐQ SJC Hà Nội, Công ty Cổ phần VBĐQ SJC Đà Nẵng, Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, Công ty Cổ phần Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo, Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Doji...