Về bối cảnh tình hình
Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được các bên tham dự Hội nghị Pari ký kết ngày 27/1/1973 đã kết thúc gần 5 năm đàm phán. Điều khoản thứ 5 của Hiệp định quy định: Quân Mỹ, quân Đồng minh của Mỹ và toàn bộ các phương tiện chiến tranh, vũ khí, trang bị, hỏa lực phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Ngày 29/3/1973, Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam đã làm lễ cuốn cờ, rút khỏi miền Nam.
Đánh giá về Hiệp định, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (từ tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng, đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam) cho rằng: Kết quả lớn nhất của Hiệp định Pari là quân Mỹ thì phải rút ra, còn quân ta (ý nói đến các đơn vị bộ đội miền Bắc) thì ở lại, bởi đây là nội dung đàm phán chủ yếu, xuyên suốt giữa hai bên Việt Nam và Mỹ trong thời gian diễn ra Hội nghị. Việc quân Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam đã tạo ra lợi thế rất lớn về so sánh lực lượng, nghiêng về phía các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam khi mà hơn nửa triệu quân chiến đấu Mỹ đã không thực hiện được mục tiêu đề ra là tìm diệt chủ lực Quân giải phóng, tiêu diệt cách mạng miền Nam, duy trì và phát triển chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa sau 8 năm có mặt ở miền Nam tính từ tháng 3 năm 1965.

Với việc ký Hiệp định Pari, quân và dân hai miền Nam-Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực hiện được một vế quan trọng của câu thơ, đồng thời cũng là một trong hai nhiệm vụ chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra trong bài thơ chúc Tết cuối cùng (năm 1969) của Người là: Đánh cho Mỹ cút. Nhiệm vụ chiến lược tiếp theo là: Đánh cho ngụy nhào, để Bắc Nam sum họp.
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, do mong mỏi và tin tưởng vào việc Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện các điều khoản của Hiệp định, sẽ có hòa bình, nên ở một số địa bàn miền Nam, các cấp có trách nhiệm đã chủ trương đấu tranh chính trị đòi đối phương thi hành Hiệp định Pari, ban hành chỉ thị “Năm cấm chỉ” (Cấm tiến công, cấm pháo kích, cấm đánh càn, cấm xây dựng xã, ấp chiến đấu, cấm đánh đồn bốt). Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 10/1973, ra nghị quyết nhận định: “Tình hình hiện nay ở miền Nam có thể phát triển theo hai khả năng: 1- Do đấu tranh tích cực trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, ta có thể từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam, hòa bình được lập lại thật sự, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam nhằm hoàn thành độc lập, dân chủ tuy còn lâu dài, khó khăn, phức tạp nhưng ngày càng phát triển và ở thế tiến công mạnh mẽ. 2- Mặt khác, do âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ cố bám giữ khu vực Đông Dương, Đông Nam Á, do bản chất cực kỳ phản động, ngoan cố của Mỹ và tập đoàn tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt tay sai Mỹ, Hiệp định Pari về Việt Nam tiếp tục bị địch vi phạm và phá hoại, xung đột quân sự có thể ngày càng tăng, cường độ và quy mô chiến tranh ngày càng lớn, ta lại phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go, quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn. Ta phải hết sức tranh thủ thực hiện khả năng thứ nhất và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thứ hai…
Hai khả năng diễn biến nói trên của tình hình miền Nam đều đang tồn tại và trong quá trình phát triển, cho nên ta phải rất chủ động, kiên quyết, cảnh giác và linh hoạt trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam… Căn cứ vào sự nhận định tình hình về so sánh lực lượng như trên, chúng ta có thể tranh thủ thực hiện khả năng thứ nhất, vì địch có nhiều mặt yếu rất cơ bản, ta cần lợi dụng triệt để làm cho địch phải thất bại trong những âm mưu của chúng… Tranh thủ thực hiện khả năng đó cũng là ngăn ngừa và đẩy lùi khả năng địch gây trở lại cuộc chiến tranh lớn”[1]. Do mong muốn hòa bình, cho rằng nếu sử dụng vũ khí đánh lại quân đội Sài Gòn thì không thể thực hiện ngừng bắn, Ban Binh vận Miền phổ biến 5 điều cấm chỉ: Cấm tiến công, cấm pháo kích, cấm đánh càn, cấm xây dựng xã ấp chiến đấu, cấm đánh đồn bốt[2]
Trong khi đó, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu chủ trương thực hiện 4 không: Không liên hiệp; không thương lượng với cộng sản; không hòa bình với cộng sản và không để lọt vào tay cộng sản bất cứ vùng đất nào do quân đội Sài Gòn chiếm giữ. Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh cho quân đội gấp rút thực hiện các hoạt động quân sự lấn chiếm vùng giải phóng, đóng thêm đồn bốt, phá cơ sở cách mạng, giành dân thông qua các chiến dịch, các cuộc hành quân mang tên “Tràn ngập lãnh thổ”, “Cắm cờ”, không thực hiện các điều khoản đã ký trong Hiệp định. Trong năm 1973, trên toàn miền Nam, địch đã đóng thêm 500 đồn bốt, chiếm thêm 70 xã, 740 ấp, kiểm soát thêm 650.000 dân. Cụ thể: Khu 5, chúng đóng thêm 200 đồn bốt, chiếm thêm 45 xã, 320 ấp với 250.000 dân; ở Khu 8, địch đóng thêm gần 300 đồn bốt, chiếm thêm 24 xã, 120 ấp với 100.000 dân; ở Khu 6 và Khu 7, địch chiếm lại hầu hết các vùng ta mới mở gồm 300 ấp với gần 300.000 dân[3].
Trước âm mưu và hành động quyết liệt của địch, trong cuộc họp từ cuối tháng 5/1973, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTƯ) đã họp hội nghị, nghiêm túc kiểm điểm những sai lầm, thiếu sót trong đánh giá tình hình, và chỉ đạo cách mạng miền Nam, chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu “là do ta có khuyết điểm chứ không phải do địch mạnh, do lúc đầu ta không đánh giá hết âm mưu của địch và khả năng của chúng thực hiện âm mưu ấy. Chúng ta đã không có chủ trương kịp thời, nhất quán từ đầu về vị trí, nội dung của tiến công quân sự. Địch cứ tiến công lấn chiếm, mà ta thì ngồi im, có nơi còn rút lui”. Hội nghị thống nhất chủ trương: “Trong khi địch dùng hành động quân sự đánh ta, ta vẫn cần phải chủ động tiến công địch, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, pháp lý… Tiến công bằng quân sự bằng phản công của ta là chủ động, chỉ có qua đó mà từng bước đánh bại mọi hành động vi phạm của địch”[4]
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 BCHTƯ Đảng cũng khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”[5]. Như vậy, Trung ương Đảng đã nhận định khả năng thứ nhất là Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định không xảy ra, nên quyết định phải sử dụng bạo lực cách mạng để đối phó và đánh bại âm mưu và hành động tiến công, lấn chiếm vùng giải phóng của địch. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ 12 (9/1973), Hội nghị Quân chính của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, cũng họp trong tháng 9/1973, chỉ đạo: Kiên quyết đẩy mạnh phản công và tiến công địch, khôi phục lại những vùng địch chiếm đóng “bất kỳ ở đâu, bằng các hình thức và lực lượng thích đáng”. Theo đó, các đơn vị chủ lực Quân giải phóng và các chiến trường ở miền Nam đã đẩy mạnh hoạt động quân sự, tiến công trừng trị các hành động lấn chiếm của địch, từng bước khôi phục cơ sở, địa bàn vùng giải phóng.
Sự chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
1- Xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam
Sau Hội nghịTrung ương lần thứ 21, Quân ủy Trung ương tập trung đẩy mạnh chuẩn bị Kế hoạch giải phóng miền Nam. Trước đó, dự kiến đến khả năng Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn không thực hiện Hiệp định Pari, từ tháng 4/1973, theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu đã thành lập Tổ Trung tâm gồm các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Cục Tác chiến, do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng trực tiếp phụ trách, nhằm xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Trong khoảng thời gian một năm, đến giữa năm 1974, bản dự thảo Kế hoạch đã được góp ý, sửa chữa, bổ sung nhiều lần để trả lời thỏa đáng các câu hỏi, vấn đề đặt ra như: Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế để mở cuộc tổng tiến công? Thời gian cần thiết để giải phóng hoàn toàn miền Nam là bao nhiêu lâu? Khả năng huy động lực lượng, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật cho trận đánh lớn trên quy mô toàn miền Nam như thế nào? Làm thế nào để tạo dựng và nhận thức đúng thời cơ và thời cơ chiến lược cho cuộc tổng tiến công; khi nào thì có thể mở cuộc tiến công chiến lươc? Kế hoạch tác chiến trên cả miền Nam, của từng hướng chiến trường, sự chỉ đạo phối hợp giữa các chiến trường như thế nào? Việc chọn hướng chiến dịch mở đầu cuộc tổng tiến công ở đâu có hiệu quả nhất? Khả năng chiến đấu và sự đối phó của địch như thế nào? Nếu ta đánh lớn, Mỹ có đưa quân trở lại miền Nam để cứu chế độ Sài Gòn hay không và nếu Mỹ không quay lại thì khả năng can thiệp đến mức nào?...
Đây là những vấn đề rất lớn và quan trọng cần có sự giải đáp cụ thể, rõ ràng, thấu đáo, đặc biệt là một sô vấn đề như chọn hướng mở cuộc tổng tiến công, vấn đề đảm bảo lực lượng, hậu cần, kỹ thuật, đánh giá khả năng quân Mỹ quay trở lại, để hạ quyết tâm chiến lược. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thường xuyên quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, gợi mở các vấn đề suy nghĩ. Trong lần làm việc với Tổ Trung tâm nghe báo cáo về dự thảo Kế hoạch chiến lược vào tháng 7/1974, đồng chí Lê Duẩn nêu lên ba vấn đề lớn cần tập trung làm rõ: Đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch; Phương hướng chiến lược của ta trong năm 1975 và mấy năm tiếp sau; Kế hoạch xây dựng và bảo vệ miền Bắc. Đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt của ta hiện nay là tạo thời cơ, chớp thời cơ, thúc đẩy thời cơ và cách đánh để giành được thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 26/8/1974, bản dự thảo mang tên Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam được hoàn thành sau 8 lần sửa chữa, bổ sung. Kế hoạch này dự kiến thực hiện theo hai bước: Bước 1, trong năm 1975, mở cuộc tiến công rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược: đô thị, nông thôn đồng bằng và rừng núi, đánh bại về cơ bản chương trình bình định của địch, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng chủ lực quân đội Sài Gòn. Bước 2, năm 1976, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Vào cuối tháng 8/1974, Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền cũng gửi ra BCHTƯ và Quân ủy Trung ương một bản kế hoạch hoạt động tác chiến trong mùa khô 1974-1975 cũng với quyết tâm giành thắng lợi quyết định để giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Điều này cho thấy ở cả Trung ương và thực tế trực tiếp trên chiến trường đều thống nhất kế hoạch hành động và quyết tâm giải phóng miền Nam.
Ngày 30/9/1974, Bộ Chính trị họp mở rộng thảo luận tình hình miền Nam, nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo về bản dự thảo Kế hoạch chiến lược. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng báo cáo cụ thể về hai bước của cuộc tổng tiến công; mục tiêu dự kiến của Bước 1 cũng như các đợt trong Bước 1; về hướng chiến lược và nhiệm vụ cụ thể của từng chiến trường; về thời cơ chiến lược, về phương châm hành động; về phương thức tác chiến chiến lược. Bên cạnh đó, bản dự thảo Kế hoạch chiến lược còn đề cập đến kế hoạch huy động tân binh, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, vấn đề can thiệp trở lại của đế quốc Mỹ.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ Chính trị thảo luận kỹ từng nội dung, nhận định: Hai năm 1975,1976 đều có vị trí quan trọng, nhưng năm 1975 là năm bản lề, tạo điều kiện cho năm 1976 giành thắng lợi cuối cùng, vì thế phải thực hiện tốt kế hoạch của năm 1975 để đón năm 1976; phải tạo được yếu tố bất ngờ có thể dẫn đến những bước phát triển nhảy vọt và trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ khi thời cơ chiến lược xuất hiện. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Cần phải chuẩn bị sẵn sàng tác chiến trên cả hai hướng là Tây Nguyên – hướng chiến lược quan trọng và miền Đông Nam Bộ - hướng quyết định cuối cùng, trong đó, Tây Nguyên được chọn làm chiến trường trọng yếu trong cuộc tổng tiến công[6].
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, cần phải kịp thời nắm lấy để “hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác”. Vì thế, nhiệm vụ cấp bách lúc này là “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển lên mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân…”[7].
2- Sửa chữa, mở đường, chi viện sức người, sức của cho miền Nam
Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để chuẩn bị mở cuộc tổng tiến công. Trên cơ sở kết luận trong cuộc họp của Bộ Chính trị đầu tháng 1-1975, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh thông qua kế hoạch chi viện nhân lực, vật lực cho miền Nam trong mùa khô 1974-1975, giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thực hiện với các yêu cầu rất lớn: vận chuyển cho miền Nam 410.000 tấn hàng quân sự, 100.000 tấn hàng dân sinh; đảm bảo dự trữ 50.000 tấn và chuẩn bị 2800 tấn cho mùa khô 1975-1976. Về công tác xây dựng đường chiến lược, tập trung ưu tiên cho tuyến đường phía Đông Trường Sơn, tiếp tục phối hợp xây dựng mạng đường chiến dịch; triển khai phát triển tuyến đường ống xăng dầu phía Đông vào sâu địa bàn Đông Nam Bộ, khẩn trương xây dựng hệ thống kho dự trữ chiến lược, tập trung ở hai khu vực phía Nam A Lưới- Khâm Đức và Sa Thầy- Pô Cô.
Căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của Bộ Quốc phòng giao (gồm cả kế hoạch cơ bản và kế hoạch thời cơ) là vận chuyển chi viện chiến trường, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các lực lượng cho đến hết năm 1975 và vận chuyển thêm lượng dự trữ lớn đến một số địa điểm ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu V, Trị Thiên để khi thời cơ lớn xuất hiện, có sẵn vật chất đảm bảo tại chỗ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chủ động tổ chức triển khai nhanh chóng, đồng bộ các hoạt động trên toàn tuyến đường.

Vượt qua khó khăn trở ngại, được sự chi viện của cả nước, các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã gấp rút thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ. Về công tác đảm bảo mở đường chiến lược, chiến dịch, tính đến cuối năm 1974, bộ đội Trường Sơn đã củng cố và mở rộng được 5920 km đường trục dọc, 3930 km đường trục ngang, 4830 km đường vòng tránh, ở các cấp độ khác nhau như đường rải nhựa, đường rải đá cấp phối [8]. Việc củng cố và mở rộng tuyến đường phía Đông và phía Tây Trường Sơn cho phép có thể vận chuyển cả hai mùa mưa và mùa khô trong năm. Hầu hết các đoạn đường trên tuyến có thể đảm bảo cơ động cho các loại binh khí kỹ thuật như xe tăng, pháo hạng nặng và các đơn vị lớn hành quân.
Về xây dựng đường ống xăng dầu, tính đến tháng 3 năm 1975, bộ đội đường ống đã xây dựng thêm được 596 km, kéo dài tuyến đường ống tới Bù Gia Mập (Đông Nam Bộ) và 12.525 mét khối kho, hình thành hệ thống đường ống dẫn xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn ở cả Đông và Tây Trường Sơn, có mạng lưới cấp phát với gần 50 kho lớn, nhỏ, 114 trạm bơm đẩy, có thể cung cấp từ 600-800 mét khối xăng dầu một ngày trên một hướng. Tổng chiều dài toàn tuyến ống dẫn lên tới 1.400 km, trong đó, có 1.313 km tuyến chính, 86 km tuyến nội bộ; tuyến phía Tây Trường Sơn dài 834 km, tuyến phía Đông dài 414 km, tuyến đường ống bơm dầu điêzen dài 74 km[9].
Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tổ chức tốt việc tiếp nhận một số lượng lớn ô tô vận tải do Tổng cục Hậu cần bổ sung đồng thời với việc sửa chữa, bảo dưỡng số xe hiện có. Cuối năm 1974, bên cạnh số 4.480 xe hiện có, trong đó có hơn 2000 xe cũ, hỏng mới được khôi phục, các đơn vị vận tải trên tuyến đường Trường Sơn đã tiếp nhận thêm 5.602 chiếc, nâng tổng số xe lên 10.082 chiếc các loại, trong đó có 6.770 xe vận tải[10]. Nhiều loại vũ khí, trang bị có kích thước và tải trọng lớn như pháo cỡ lớn, nòng pháo xe tăng đã được vận chuyển an toàn vào các mặt trận.
Đến giữa 2/1975, tổng khối lượng hàng hoá các loại đã vận chuyển vào các chiến trường qua tuyến đường Trường Sơn đạt 37% kế hoạch năm, riêng đối với Nam Bộ, đạt gần 50%. Khối lượng cụ thể cho một số chiến trường: Giao cho Khu V được 15.000 tấn; Nam Bộ 35.000 tấn; Tây Nguyên 25.000 tấn; chiến trường Campuchia 4.000/5.000 tấn, đạt 80%; chiến trường Lào vượt kế hoạch 2.100 tấn, đảm bảo hành quân vượt kế hoạch 1.372 tấn; đảm bảo cho lực lượng phối hợp 5.120 tấn; tạo chân hàng được 32.000 tấn[11]. Tuyến đường 559 đã xây dựng được mạng đường chiến lược liên hoàn ở cả phía Đông và phía Tây dãy Trường Sơn.
Về lực lượng, nhờ có hệ thống cầu đường được sửa chữa, nâng cấp, mở mới, được bổ sung nhiều xe vận tải, nên việc đảm bảo hành quân từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường ở miền Nam thuận lợi và nhanh chóng hơn trước. Tính từ đầu năm 1974 đến đầu năm 1975, đã có 410.000 lượt người được đưa vào các chiến trường, trong đó có 68.000 quân bổ sung, 8.000 nhân viên kỹ thuật và các đơn vị binh chủng khác. Ở chiều ngược lại, đã có 290.000 lượt người, trong đó có 53.000 thương binh, 28.000 bệnh binh và 32.000 cán bộ từ các chiến trường đi theo tuyến giao liên chiến lược ra miền Bắc[12]. Riêng trong hai tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã tập trung động viên tuyển quân được 57.000 người trên tổng số 108.000 người theo kế hoạch tuyển quân của cả năm 1975. Số người trên được gấp rút huấn luyện để sẵn sàng đi vào chiến trường[13]. Để tăng cường lãnh đạo, chỉ huy cuộc Tổng tiến công, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập một bộ phận đại diện Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ở miền Nam mang mật danh Đoàn A75, do Đại tướng Văn Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm Trưởng đoàn. Đoàn lên đường ngày 5 tháng 2 năm 1975.
Về xây dựng các quả đấm chiến lược chuẩn bị cho đánh lớn, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực: Quân đoàn 1 (24/10/1974); Quân đoàn 2 (17/5/1974); Quân đoàn 4 (20/7/1974); Đoàn 232, đơn vị chủ lực tương đương cấp quân đoàn (2/1975); Quân đoàn 3 (26/3/1975).
Cùng với lực lượng, vật chất chuẩn bị tại chỗ, việc bổ sung một khối lượng vật chất, vũ khí trang bị, đạn dược, phương tiện chiến đấu, lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu, hàng quân nhu các loại, cùng số lượng lớn tân binh và cán bộ chuyên môn kỹ thuật từ miền Bắc vào, đã góp phần quan trọng tạo thế, tạo lực cho cuộc Tổng tiến công sắp diễn ra.
3- Mở các trận đánh, chiến dịch thăm dò phản ứng của địch
Việc quân chiến đấu Mỹ phải rút hết khỏi miền Nam đồng nghĩa với việc viện trợ kinh tế, nhất là quân sự cho chính quyền và quân đội Sài Gòn giảm mạnh. Cuối năm 1973, quân đội Sài Gòn có khối lượng dự trữ chiến tranh khá lớn là 1.930.000 tấn (gồm 480.000 tấn đạn các loại, 710.000 tấn xăng dầu, 690.000 tấn phương tiện chiến tranh, do được Mỹ gấp rút ồ ạt bổ sung ngay trước khi ký Hiệp định Pari, số quân tăng từ 650.000 (1/1973) lên 710.000 (12/1973). Tuy nhiên, sang năm 1974, quân số bổ sung bị sụt giảm 15%, nguồn dự trữ vơi cạn do không được bổ sung, hỏa lực giảm tới 60%, sức cơ động giảm 50%, giờ bay của không quân giảm 34%, khả năng vận chuyển của hải quân giảm 1/3 so với trước khi ký Hiệp định[14]. Ngày 9/11/1974, Văn phòng Tham mưu trưởng – Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa trình báo cáo lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho biết, với mức viện trợ 700 triệu đô la Mỹ về quân sự năm 1973-1974, thì chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu, đạn dược thiếu 41%, nhiên liệu thiếu 71%, y dược thiếu 37%, truyền tin thiếu 66%, quân nhu thiếu 68%, quân cụ thiếu 65%, công binh thiếu 81%, không quân thiếu 73%, hải quân thiếu 83%[15]. Trước tình hình thiếu hụt viện trợ quân sự và kinh tế, Nguyễn Văn Thiệu khuyến cáo binh lính: Phải học cách chiến đấu theo kiểu con nhà nghèo với 4 biện pháp: giảm quân số, hạn chế sử dụng phương tiện cơ động, tiết kiệm vật liệu và tài nguyên, quân đội tham gia làm kinh tế.
Nắm bắt được thực tế đó, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Chỉ huy Miền tổ chức liên tiếp các trận đánh, mở các chiến dịch tiến công trên các hướng chiến trường để thăm dò phản ứng và đánh giá thực chất khả năng, sức mạnh hiện có của địch. Quân khu 7 mở chiến dịch Đường số 2 ở khu vực Bà Rịa – Long Khánh (3/1974); Bộ Chỉ huy Miền mở chiến dịch Đường số 7 ngang ở khu vực Bến Cát – Rạch Bắp, phía Bắc Sài Gòn (5/1974); Quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 mở Chiến dịch Nông Sơn – Thượng Đức trên địa bàn Quảng Nam (tháng 7-8/1974); Quân khu Trị Thiên phối hợp với Quân đoàn 2 mở chiến dịch La Sơn – Mỏ Tàu, phía Tây Nam Huế (tháng 8-9/1974). Quân ủy Miền và Bộ Chỉ huy Miền mở chiến dịch Đường 14 – Phước Long trên địa bàn các tỉnh Phước Long, Bình Long, Tây Ninh, Bình Dương (từ 13/12/1974 đến 6/1/1975)… Qua các chiến dịch này, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương nhận thấy quân đội Sài Gòn tuy vẫn còn có số lượng khá lớn nhưng tinh thần và vũ khí trang bị, đạn dược và sức chiến đấu đã giảm sút rất nhiều. Đơn cử: Sau khi ta giải phóng thị xã và tỉnh Phước Long (6/1/1975), một vị trí trọng yếu chỉ cách Sài Gòn khoảng 120 km về phía Đông Bắc, nhưng quân đội Sài Gòn chỉ tổ chức phản kích nhằm chiếm lại nơi này một cách hình thức. Ngay từ trước khi thị xã Phước Long có nguy cơ thất thủ, trong cuộc họp khẩn tại Dinh Độc lập bàn cách đối phó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố sẽ không tăng viện hoặc cố gắng lấy lại Phước Long nếu tỉnh này lọt vào tay Quân giải phóng vì cái giá của cuộc chiến để bảo vệ hoặc tái chiếm quá cao trong khi quân đội Sài Gòn thiếu phương tiện và lực lượng trù bị, lại đang phải rải ra để đối phó ở những nơi khác[16].
Những trận đánh, các chiến dịch nêu trên và phản ứng của địch là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh hạ quyết tâm mở cuộc tổng tiến công.
4- Đánh giá khả năng quân Mỹ quay trở lại miền Nam
Sau Hiệp định Pari, việc quân Mỹ và các phương tiện chiến tranh của Mỹ phải rút hết khỏi miền Nam theo quy định của Hiệp định là điều vô cùng bất lợi cho chính quyền, quân đội Sài Gòn vì đã mất đi chỗ dựa chủ yếu. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng Việt Nam Cộng hòa đã bị Mỹ “bỏ rơi”. Việc quân Mỹ quay trở lại là điều rất khó xảy ra bởi điều khoản pháp lý của Hiệp định mà phía Mỹ đã ký; bởi Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ phản đối, không chuẩn chi ngân sách dành cho quân Mỹ quay lại miền Nam Việt Nam.
Tuy vậy, khi đề ra Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh vẫn tính đến phương án quân Mỹ can thiệp để đề ra giải pháp đối phó. Có hai sự kiện làm căn cứ để nhận định phản ứng của Mỹ. Một là, việc Nixon buộc phải từ chức Tổng thống Mỹ liên quan đến vụ bê bối mang tên Watergate. Đây là vụ án mà phía Đảng Cộng hòa đã cho người đặt lén máy nghe trộm trong văn phòng Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ ở khách sạn Watergate để bí mật tìm hiểu chiến lược bầu cử tổng thống năm 1972 của Đảng Dân chủ. Vụ việc bị phanh phui. Mặc dù được bầu lại làm Tổng thống nhiệm kỳ hai nhưng Nixon bị cáo buộc chịu trách nhiệm trong vụ việc này nên buộc phải từ chức Tổng thống ngày 9/8/1974 để tránh bị truy tố. Nixon là một trong những Tổng thống hiếu chiến nhất và nhiệt thành ủng hộ Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Người kế vị Nixon là Phó Tổng thống Gerald Ford lại có quan điểm muốn chấm dứt sự dính liu của Mỹ ở Việt Nam. Đây là cú sốc đối với chính quyền Sài Gòn và là tín hiệu khách quan cho thấy Mỹ ít có khả năng can thiệp trở lại. Hai là, sự kiện tỉnh Phước Long bị thất thủ. Hai ngày sau khi Phước Long bị Quân giải phóng đánh chiếm, ngày 8/1/1975, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Graham Martin thông báo cho Nguyễn Văn Thiệu biết rằng Mỹ không thể sử dụng không quân yểm hộ cho quân đội Sài Gòn tổ chức phản kích tái chiếm Phước Long. Ngày 22/1/1975, Tổng thống G. Ford tuyên bố Mỹ không có hành động nào ngoài việc cố gắng viện trợ bổ sung cho chính quyền Sài Gòn và sẽ không can thiệp vào miền Nam Việt Nam nếu điều đó không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Mỹ. Như vậy, trận đánh Phước Long được ví như “đòn trinh sát chiến lươc” để trả lời câu hỏi: Mỹ có khả năng can thiệp hay không. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng (đợt 2) từ ngày 18/12/1974 đến 8/1/1975 quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đầu năm 1975.
5- Chuẩn bị thế trận, lực lượng cho chiến dịch Tây Nguyên
Ngay từ khi hình thành ý tưởng của Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, việc lựa chọn chiến trường, chọn hướng tiến công đã được tính đến. Trong số các chiến trường trên toàn miền Nam, Tây Nguyên được đa số ý kiến xác định là chiến trường chiến lược quan trọng bởi mấy lý do sau: Thứ nhất, nếu chiếm được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ và khống chế được một khu vực rộng lớn có ảnh hưởng đến thế bố trí chung không chỉ ở miền Nam Việt Nam mà cả Đông Dương. Chiếm được Tây Nguyên sẽ tao ra sự phản ứng dây chuyền và những điều kiện thuận lợi để tổ chức các chiến dịch tiến công tiếp theo, thực hiện chia cắt chiến lược, uy hiếp trực tiếp các tỉnh duyên hải miền Trung và mở đường tiến về Sài Gòn. Thứ hai, đây là chiến trường rộng lớn, địch không đủ binh lực để rải ra đóng giữ nên có nhiều sơ hở, mỏng yếu, dễ bị chia cắt, cô lập. Thứ ba, lực lượng của ta có thể bí mật tập kết, nghi binh và bất ngờ tiến công địch một cách chủ động.
Tháng 9/1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) mở chiến dịch Nam Tây Nguyên. Đến tháng 1/1975, Bộ Tổng tư lệnh xác định nhiệm vụ mới cho chiến dịch Nam Tây Nguyên gồm các nội dung chủ yếu: Tiêu diệt sinh lực địch, đánh thiệt hại nặng Quân đoàn 2 Quân đội Sài Gòn; Giải phóng đất đai các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức, trọng điểm là Đắc Lắc, mở hành lang chiến lược nối Tây Nguyên với Nam Bộ và đồng bằng Liên khu 5; Kết hợp với địa phương phá bình định, giành dân ở các địa bàn trọng điểm; Rèn luyện, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến cấp chiến dịch và chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô tương đối lớn, đánh vận động và đánh địch trong công sự vững chắc, đặc biệt là trong thị xã, thành phố.
Căn cứ vào các nhiệm vụ trên, từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Tổng tư lệnh đã điều động tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên các sư đoàn bộ binh và nhiều đơn vị binh chủng, làm đường cơ động chiến dịch và thực hiện nghi binh lừa địch để đánh lạc hướng sự phán đoán và tổ chức đối phó của chúng. Tổ chức chuẩn bị tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột, thị xã của tỉnh Đắc Lắc lớn nhất Tây Nguyên được chọn là trận then chốt mở màn chiến dịch.
Như vậy, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã cơ bản hoàn thành một cách chủ động, hiệu quả, cụ thể. Điều đó góp phần có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc./.
-----------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 34 (1973), trang 231, 232.
[2] Dẫn theo: Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ: Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975). Nxb CTQG, H, 2003, tr.474.
[3] Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – Thắng lợi và bài học. Nxb CTQG, H, 1996, tr.316.
[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Nxb CTQG, H, 2000, tr.56
[5] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34 (1973), Sđd, tr.232.
[6] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975. Tập VIII Toàn thắng, Nxb CTQG, H, 2013, tr. 201-206.
[7] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35 (1974), tr.179, 185.
[8] Lịch sử Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 579
[9] Tổng cục Hậu cần: Lịch sử ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam (1945-1975), Tổng cục Hậu cần xuất bản, H, 1993, tập 1, tr. 223, 224, 225
[10] Vận tải quân sự chiến lược trên đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr. 139
[11] Vận tải quân sự chiến lược trên đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, Sđd, tr.140
[12] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Nxb CTQG, H, 2013, tập.8, tr. 208
[13] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2017, tập 4, tr. 458.
[14] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975. Tập VIII Toàn thắng, Nxb CTQG, H, 2013, tr. 191.
[15] Dẫn theo: Bộ Quốc phòng – Quân khu 7: Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền (1954-1975). Nxb CTQG, H, 2004, tr.566.
[16] Nguyễn Tiến Hưng: Từ tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập. Nhà xuất bản Trẻ, TP.HCM, 1990, tr.341.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh