Ngày 23/9/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đã trình bày các nội dung chính và các điểm mới của dự thảo Nghị định.
Cụ thể:
Về tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô chức danh, Dự thảo Nghị định tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 04 nhóm như quy định hiện hành và giữ nguyên chế độ sử dụng xe ô tô. Trong đó, Nhóm 2 có điều chỉnh lại phạm vi các chức danh, chức vụ.
Đồng thời, dự thảo quy định mỗi bậc thuộc các nhóm chức danh, chức vụ được quy định 01 mức giá mua xe tối đa khác nhau, từ cao xuống thấp (từ 1.600 triệu đồng đến 1.200 triệu đồng).
Đối với danh mục xe ô tô phục vụ công tác chung, Dự thảo Nghị định đã chuyển xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù (thực chất là xe ô tô từ 4 đến 16 chỗ thông thường) từ xe chuyên dùng (theo quy định tại Nghị định số 04) sang xe ô tô phục vụ công tác chung để quy định cụ thể định mức, tối ưu hóa mục đích sử dụng và tần suất sử dụng xe ô tô (vừa sử dụng để đi họp, đi công tác, vừa sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù).
Về cách xác định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Dự thảo Nghị định tách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ/Tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh ra khỏi khối quản lý nhà nước để xác định định mức.
Lý do là vì các đơn vị này đang thực hiện tự chủ với yêu cầu ngày càng cao, từng bước có thể tự bảo đảm nguồn kinh phí để trang bị xe. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp được áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thì các bộ, địa phương tự quyết định định mức (trừ xe chức danh) và không dùng NSNN để mua xe.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục/sở/ngành, Dự thảo không quy định riêng định mức đối với các đơn vị này nhưng cho tổng hợp số biên chế của đơn vị này vào chung số biên chế của Cục/sở/ngành để tính định mức của Cục/sở/ngành; việc giao cho Cục/sở ngành quản lý chung hay giao trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp sử dụng sẽ do Cục/sở/ngành quyết định cho phù hợp với thực tế.
Đối với các Vụ, Cục và tương đương thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương; Vụ, Cục, Ban và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Tổng cục; sở, ban, ngành cấp tỉnh: Dự thảo Nghị định sử dụng chỉ tiêu biên chế (là chỉ tiêu có tính chất tổng hợp) làm căn cứ chính để xác định định mức: Quy định định mức cho từng đơn vị dựa trên số biên chế của từng đơn vị theo phương pháp lũy tiến từng phần, các đơn vị có số biên chế càng lớn thì số lượng xe theo định mức càng lớn nhưng có khống chế mức tối đa; đồng thời, sử dụng một số tiêu chí phụ để điều chỉnh đối với các đơn vị hoạt động trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các tỉnh, thành phố có diện tích lớn…
Đồng thời, trong 1 bộ, 1 tổng cục, 1 địa phương, sau khi tính toán, nếu cần thiết phải điều chỉnh số lượng xe giữa các đơn vị cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế thì sẽ do Bộ trưởng/ Tổng cục trưởng/ UBND cấp tỉnh quyết định nhưng vẫn phải đảm bảo tổng số xe không vượt quá tổng số xe tối đa được xác định theo quy định.
Đối với khối các Văn phòng cấp tỉnh (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội): Dự thảo Nghị định quy định định mức cho khối các Văn phòng cấp tỉnh tối đa 12 xe/địa phương;
Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 20 xe/địa phương (do có biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị lớn). Các Ban của HĐND cấp tỉnh sử dụng xe chung với Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trên 50% số huyện, thị xã, thành phố là địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hoặc/và có diện tích tự nhiên trên 5.000 km2 thì được bổ sung định mức 03 xe.
Đối với các cơ quan, đơn vị của Đảng ở cấp tỉnh (trừ đơn vị sự nghiệp của Đảng), tuy có số lượng biên chế ít so với các Văn phòng và Sở, ban, ngành cấp tỉnh, song tính chất công việc quan trọng, thường xuyên phải sử dụng phương tiện đi lại để nắm địa bàn, cơ sở, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, tuyên giáo, dân vận… Vì vậy, tại Dự thảo Nghị định quy định định mức cao hơn so với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện, để phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế nêu trên, dự thảo đã bổ sung các chức danh: Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện vào định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung; chuyển xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng khác sang xe ô tô phục vụ công tác chung; trên cơ sở đó, quy định định mức xe ô tô phục vụ công tác chung cho tất cả các đơn vị cấp huyện tối đa là 06 xe/huyện; đối với các huyện có trên 15 đơn vị hành chính là xã, thị trấn hoặc/và huyện có trụ sở trên địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc/và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có định mức là 07 xe/huyện.
Về số lượng xe ô tô trang bị cho từng đơn vị và phương thức quản lý xe, để phù hợp với nhu cầu phục vụ công tác của các đơn vị, dự thảo Nghị định giao Bộ trưởng/Tổng cục trưởng/UBND cấp tỉnh/ thủ trưởng đơn vị được quyết định cụ thể số lượng xe ô tô trang bị cho từng đơn vị và phương thức quản lý xe (tập trung/trực tiếp) bảo đảm nguyên tắc không vượt tổng số xe được xác định theo định mức trong một số trường hợp.
Về giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung, Bộ Tài chính cho biết, qua khảo sát giá mua mới xe ô tô năm 2010 và năm 2022 của dòng xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung, Dự thảo Nghị định quy định mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; trường hợp cần trang bị loại xe ô tô 7-8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1.300 triệu đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1.600 triệu đồng/xe.
Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng, để bảo đảm đúng tính chất chuyên dùng của xe ô tô, dự thảo Nghị định giữ lại 05/07 loại xe chuyên dùng quy định tại Nghị định số 04 gồm xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế; xe ô tô có kết cấu đặc biệt; xe gắn thiết bị chuyên dùng hoặc gắn biển hiệu nhận biết theo quy định của pháp luật; xe ô tô tải; xe ô tô trên 16 chỗ ngồi; chuyển 02 loại xe có tính chất lưỡng tính (xe bán tải và xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù) sang xe ô tô phục vụ công tác chung. Riêng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế được “nghị định hóa” từ quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BYT của Bộ Y tế.
Về phương thức bảo đảm phương tiện phục vụ công tác, Dự thảo kế thừa các phương thức bảo đảm phương tiên đi lại phục vụ công tác tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP (trang bị xe, thuê dịch vụ và khoán kinh phí sử dụng xe ô tô). Việc quyết định sử dụng theo phương thức nào sẽ do các Bộ, ngành, địa phương căn cứ nhu cầu sử dụng xe ô tô và điều kiện thực tế để quyết định cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn ngày 30/9/2022; giao Cục QLCS cùng với Vụ Pháp chế và các đơn vị chức năng trong Bộ tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến tại Hội nghị hôm nay và các ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện hồ sơ gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, bảo đảm tính khả thi của dự thảo.
Xuân Hưng