Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo chấm dứt hoạt động đối với 4 phòng giao dịch, trong đó có 3 phòng giao dịch dừng hoạt động từ ngày 9/11, gồm: Phòng giao dịch Ba Đình (thuộc Chi nhánh Thăng Long, Hà Nội); Phòng giao dịch Gò Công (Chi nhánh Tiền Giang) và Phòng giao dịch Tân Quý (Chi nhánh Tân Định, TP.HCM).

Ngân hàng SCB quyết định đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch trên cả nước. (Ảnh minh họa)
Ngân hàng SCB quyết định đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch trên cả nước. (Ảnh minh họa)

Cũng trong tháng 11, ngày 1/11 trước đó, SCB đã chính thức chấm dứt hoạt động đối với Phòng giao dịch Thuận An (Chi nhánh Bình Dương).

Đáng chú ý, chỉ trong tháng 10 vừa qua, SCB gần như cùng lúc chấm dứt hoạt động đối với 11 phòng giao dịch, trong đó có 4 phòng giao dịch tại Hà Nội và 4 phòng giao dịch tại TP.HCM. 

Cụ thể, 11 phòng giao dịch của SCB bị chấm dứt hoạt động trong tháng 10 bao gồm: 

Phòng giao dịch Thanh Nhàn (Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phòng giao dịch Thanh Xuân (Chi nhánh Hà Nội) chấm dứt hoạt động từ 31/10.

Phòng giao dịch Tôn Đức Thắng (Chi nhánh Hà Nội), Phòng giao dịch Tây Cầu Giấy (Chi nhánh Cầu Giấy, Hà Nội), Phòng giao dịch Hưng Lợi (Chi nhánh Cần Thơ) và Phòng giao dịch Tân Tạo (Chi nhánh Chợ Lớn, TP.HCM) từ 26/10.

Phòng giao dịch Tân Thành (Chi nhánh Vũng Tàu) chấm dứt hoạt động từ ngày 24/10. Phòng giao dịch Biên Hoà (Chi nhánh Đồng Nai), Phòng giao dịch Đức Hoà (Chi nhánh Cần Giuộc, Long An) dừng hoạt động từ ngày 19/10.

Phòng giao dịch quận 11 (Chi nhánh Tân Phú, TP.HCM) dừng hoạt động từ ngày 12/10. Phòng giao dịch Lê Văn Sỹ (Chi nhánh Phú Đông, TP.HCM) đóng cửa từ ngày 6/10.

Đáng chú ý, SCB đang giảm dần sự hiện diện tại thị trường Hà Nội. Kể từ cuối tháng 9 đến nay, có 9 phòng giao dịch của SCB tại Hà Nội dừng hoạt động.

Trước đó, ngày 28/9, nhà băng này chấm dứt hoạt động đối với 4 phòng giao dịch tại Hà Nội.

Theo thống kê, từ ngày 6/6/2023 đến nay, SCB đã cho dừng hoạt động hơn 130 phòng giao dịch trên cả nước. Trong đó, có thời điểm SCB đóng cửa tới 16 phòng giao dịch chỉ trong một tháng.

Cùng với việc liên tục chấm dứt các điểm giao dịch, ngân hàng này gần đây cũng liên tục điều chỉnh hạn mức chuyển tiền nhanh 247 qua hệ thống Napas.

Hạn mức chuyển tiền nhanh 247 qua hệ thống Napas được SCB thông báo giảm từ mức 100 triệu đồng xuống tối đa 50 triệu đồng/lần/ngày với mỗi khách hàng từ ngày 23/8. Đến ngày 12/9, SCB tiếp tục hạ hạn mức tối đa xuống chỉ còn 10 triệu đồng.

Mới đây nhất, SCB lại nâng hạn mức chuyển tiền lên tối đa 50 triệu đồng kể từ ngày 11/11.

SCB khẳng định, việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của ngân hàng SCB.

Ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định kiểm soát đặc biệt SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc NHNN kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

NHNN cũng lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank để tham gia quản trị, điều hành SCB.

Từ sau khi được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, SCB đã thực hiện đóng cửa nhiều phòng giao dịch trên cả nước.

Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt - SCB có một hội sở chính ở TP.HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước./.