Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân.
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, bắt đầu từ sáng nay, Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn kéo dài 2 ngày, được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tạo điều kiện cho đồng bào và cử tri cả nước theo dõi.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này sẽ tuân thủ các quy định trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và tiếp tục khẳng định vai trò nổi bật của hoạt động chất vấn trong mỗi kỳ họp.
Dựa trên tổng hợp ý kiến từ đại biểu, cử tri và nhân dân, Quốc hội đã lựa chọn 3 nhóm vấn đề để tiến hành chất vấn, liên quan đến trách nhiệm của 3 Bộ trưởng và Trưởng ngành: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình, trong khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đại diện Chính phủ giải đáp thêm về các vấn đề điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn vào cuối phiên.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội cần dựa trên các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội cũng như nội dung chất vấn của kỳ họp để đánh giá khách quan các thách thức trong nước và trên thế giới, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả.
Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện, đồng thời là căn cứ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đoàn đại biểu giám sát. Thông qua phiên chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ có thêm thông tin để hoàn thiện các giải pháp, tăng cường hiệu quả điều hành và cải thiện thực trạng từng lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tin tưởng rằng, kế thừa thành công của các phiên chất vấn trước, cùng với tinh thần đổi mới và quyết tâm cao, các đại biểu sẽ tham gia phiên chất vấn một cách dân chủ, sôi nổi và đóng góp những ý kiến xây dựng cho Chính phủ, các Bộ trưởng và Trưởng ngành trong quá trình điều hành, nhằm vượt qua các khó khăn thực tế vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết các đại biểu sẽ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng, với các nội dung về chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, quản lý thị trường vàng và ngoại hối, cũng như các biện pháp hỗ trợ vay vốn và giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 và thiên tai.
Thống đốc nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu xoay quanh bất cập trên thị trường vàng, giải pháp bình ổn kim loại quý, điều hành tỷ giá, lãi suất cũng như chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão Yagi...
Phát biểu trước phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ sau kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV đến nay, nền kinh tế thế giới đã trải qua nhiều biến động phức tạp và khó lường. Dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các hệ lụy vẫn dai dẳng, cộng với tình hình căng thẳng chính trị, thương mại leo thang và lạm phát tăng cao toàn cầu. Các chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh chóng tại nhiều quốc gia đã khiến lãi suất toàn cầu duy trì ở mức cao.
Giải pháp để bình ổn và quản lý thị trường vàng
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng miếng, cho rằng người dân rất đồng thuận với việc này. Tuy nhiên, ông chỉ ra bất cập khi NHNN chỉ bán vàng ra mà không thu mua lại, khiến những người có nhu cầu bán gặp khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ. Ông Hòa thắc mắc: "Tại sao NHNN chỉ bán vàng ở Hà Nội và TP.HCM mà không triển khai rộng rãi trên cả nước?"
Tranh luận thêm, ông Hòa nhấn mạnh rằng việc NHNN không mua lại vàng miếng là một vấn đề đáng quan tâm, vì các doanh nghiệp không thu mua vàng từ người dân, khiến họ phải tìm đến "chợ đen" để bán.
"Tại sao ngân hàng bán lại không mua để thuận lợi cho người dân. Người ta cần tiền thì phải mua lại để họ còn sử dụng, lưu thông. Đề nghị ngân hàng xem xét mua lại vàng miếng từ người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi cần bán vàng", đại biểu nói thêm.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đặt câu hỏi về khả năng mở sàn giao dịch vàng, chỉ ra rằng nhiều quốc gia có thị trường phát triển đã cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực và mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước. Ông Khánh hỏi NHNN liệu có kế hoạch đề xuất Chính phủ cho phép lập sàn giao dịch vàng hay không.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề quản lý thị trường vàng. Ông nhắc lại rằng vào tháng 4, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm bình ổn và quản lý thị trường, giao trách nhiệm này cho NHNN và các cơ quan liên quan.
Ông đề nghị Thống đốc NHNN cho biết trong thời gian qua đã triển khai các yêu cầu này ra sao và tác động của các biện pháp này đến giá cả cũng như thị trường vàng hiện tại và trong tương lai như thế nào.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao ngân hàng chỉ bán mà không mua vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đưa ra nguồn cung vàng nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng từ thị trường. NHNN hiện chưa có kế hoạch thu mua lại vàng mà đang tập trung vào các giải pháp nhằm gia tăng nguồn cung.
Bà Hồng cũng nêu rõ, hiện nay có 22 tổ chức tín dụng và 16 đơn vị tham gia mua bán vàng, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Việc một số doanh nghiệp không thu mua vàng từ cá nhân có thể do các yếu tố như cân đối tài chính.
Trả lời câu hỏi về lý do NHNN chỉ triển khai bán vàng tại Hà Nội và TP.HCM, Thống đốc giải thích rằng NHNN chỉ cấp phép cho các hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng. Các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu tại các địa phương để quyết định mở điểm kinh doanh vàng.
"Qua tổng hợp, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua bán chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn", lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết.
Liên quan đến tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hòa về việc NHNN nên mua lại vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng các tổ chức tín dụng hiện nay thực hiện chủ trương bán vàng để bình ổn thị trường.
"Về vấn đề mua vàng, thực tế, vàng không như ngoại tệ, để kiểm định chất lượng và hàm lượng vàng rất khó khăn. Tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn lại gặp rủi ro về chất lượng vàng", bà Hồng nói.
Theo lãnh đạo NHNN, 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp vẫn có chi nhánh mua bán và địa điểm giao dịch ở nhiều nơi. Các đơn vị này không mua vàng của người dân có thể do nhiều nguyên nhân như biến động của thị trường vàng rất nhanh và khó lường.
"Giá vàng thế giới tăng cao lại xuống rất nhanh, doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro. Mua vào của người dân ở mức này nhưng đến lúc xuống lại rủi ro. Đối với mặt hàng vàng, NHNN cũng đã thường xuyên có khuyến cáo thị trường biến động khó lường phức tạp, rất rủi ro khi đầu tư", bà Hồng nói.
Cân nhắc thành lập sàn giao dịch vàng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Duy Khánh về khả năng thành lập sàn giao dịch vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết một số nước đã có sàn giao dịch vàng, như Trung Quốc với sàn Thượng Hải, trong khi một số quốc gia khác trong khu vực vẫn chưa thành lập sàn giao dịch vàng.
"Việc thành lập sàn có một số điểm tích cực như các giao dịch sẽ được minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Nhưng để thành lập được sàn cũng đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng", bà Hồng nhận định.
Thống đốc cũng cho biết, khác với Trung Quốc, Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất vàng, và nguồn vàng giao dịch chủ yếu phải nhập khẩu từ thị trường quốc tế. Vì vậy, việc thành lập sàn giao dịch vàng đòi hỏi NHNN phải nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách này. NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ về thời điểm phù hợp và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Về vấn đề quản lý và bình ổn thị trường vàng được đại biểu Lưu Văn Đức đưa ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích rằng từ năm 2021, giá vàng thế giới liên tục tăng cao và đến tháng 6 năm nay đã đạt đỉnh điểm, tạo khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Để đối phó, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu và bán vàng trực tiếp để ổn định thị trường.
Để thu hẹp khoảng cách chênh lệch này, NHNN đã triển khai phương án bán vàng trực tiếp thông qua 4 ngân hàng thương mại và SJC, giúp giảm chênh lệch từ mức 15-18 triệu đồng/lượng xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng.
"Hiện nay, thị trường vàng tiếp tục có diễn biến khó lường, phức tạp. Việt Nam là quốc gia không sản xuất vàng, nên việc can thiệp phụ thuộc vào nhập khẩu vàng. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và đưa ra chính sách phù hợp", lãnh đạo ngành ngân hàng khẳng định./.