Khoảng hơn 3 tuần nay, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước liên tục tăng cao. Giá vàng nhẫn điều chỉnh nhanh hơn và theo nhịp tăng của thế giới; còn giá vàng miếng SJC phụ thuộc vào giá bán của Ngân hàng Nhà nước.
Giá vàng miếng trong nước hôm nay (24/10) vẫn neo ở mức rất cao đối với cả vàng miếng và vàng nhẫn. Cụ thể, giá bán vàng miếng ở mốc 89 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng 4 tháng qua.
Bên cạnh đó, giá vàng nhẫn cùng tiến sát 89 triệu đồng/lượng bán ra, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử.
Trong khi đó, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức hơn 84,5 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Trước việc giá vàng trong nước liên tục tăng cao, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đã có cuộc trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam đề xuất những pháp căn cơ nhằm ổn định thị trường vàng.
Theo đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, thị trường vàng hiện nay biến động rất mạnh và nhanh, thậm chí từng giây, từng phút theo tình hình kinh tế chính trị của xã hội thế giới.
Đại biểu cho rằng, theo quan sát của ông về giá vàng quốc tế trong 40 năm qua, giá vàng thường tăng cao khi có những cú sốc trên thị trường như: khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế, lạm phát cao, chiến tranh…, hay có dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất hay giảm lãi suất, giá vàng cũng lập tức biến động.
Những lúc này, nhà đầu tư, tổ chức tài chính, cá nhân thường mua vàng để phòng thân, bảo tồn vốn. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng sẵn sàng chuyển trạng thái dự trữ ngoại hối thay vì dự trữ USD sẽ chuyển sang dự trữ vàng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Ngoài ra, khi nhà đầu tư thấy ít kênh đầu tư khả quan thì sẽ tập trung vào vàng. Do đó, nhu cầu tăng cao đột biến khiến giá vàng bị đẩy lên.
“Cho nên, việc giá vàng liên tục biến động là câu chuyện bình thường trên thị trường vàng hiện nay”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.
Để ổn định được thị trường vàng, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, vấn đề là phải làm sao để cho thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới.
Ông đề xuất xem xét, rà soát sớm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời cũng phải xem xét đến việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM hay là trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Đà Nẵng, cần phải quan tâm đến những những sàn về hàng hóa; trong đó xem xét đến thành lập sàn vàng, nhằm kết nối với thị trường vàng quốc tế.
Theo ông, như vậy mới giảm chênh lệch về giá giữa vàng trong nước và quốc tế. Bởi lúc này, giá vàng được niêm yết theo giá USD, tạo ra sự liên thông.
Những nhà đầu tư sẽ tham gia trên sàn giao dịch vàng này. Do đó, việc thành lập sàn giao dịch vàng còn giúp cho việc quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới.
Về việc kiểm soát thị trường vàng, ông Ngân khẳng định, vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt, có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuần sản xuất ra đồ trang sức. Người dân Việt Nam có tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai, tâm lý tích trữ rất cao, chính vì vậy, người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng.
“Khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai sẽ giúp minh bạch mua bán, nhu cầu thị trường. Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường này đưa ra các quyết định sáng suốt và Nhà nước kiểm soát tốt hơn. Sàn giao dịch vàng sẽ tạo ra sự liên thông với thị trường thế giới, lúc đó có thể không phải nhập khẩu về mà vẫn đặt lệnh mua bán vàng với thế giới. Điều này tạo cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới”, ông Ngân nêu rõ.
Song song với việc thành lập sàn giao dịch vàng, đại biểu đoàn TP.HCM cũng đề nghị cần có khuôn khổ pháp lý đi kèm để kiểm soát thị trường vàng. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo mật thông tin, đảm bảo thị trường vàng giao dịch thông suốt.
Liên quan đến vấn đề thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo NHNN, ngày 20/3/2024, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 28 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng; chỉ đạo NHNN các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.
Ngoài ra, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường. Phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an và chính quyền các địa phương, để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp…/.