Màn rượt đuổi của vàng nhẫn và vàng miếng

Trong tuần vừa qua, khi giá vàng thế giới có những phiên leo cao kỷ lục lên tới 2.685 USD/ounce, thì giá vàng trong nước cũng trải qua tuần biến động mạnh với các phiên liên tục đi lên, nhất là đối với vàng nhẫn.

Giá vàng trong nước tuần qua ghi nhận màn “rượt đuổi” ấn tượng của vàng nhẫn và vàng miếng SJC.

So với đầu tuần trước, giá vàng nhẫn cuối tuần tăng khoảng 2,2 triệu đồng/lượng và đuổi sát với giá vàng miếng SJC.

Giá vàng trong nước tuần qua ghi nhận màn “rượt đuổi” ấn tượng của vàng nhẫn và vàng miếng SJC. (Ảnh minh hoạ)
Giá vàng trong nước tuần qua ghi nhận màn “rượt đuổi” ấn tượng của vàng nhẫn và vàng miếng SJC. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, ngày đầu tuần (23/9), giá vàng nhẫn đã tăng 600.000 đồng/lượng, lên mức 79,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 80,8 triệu đồng/lượng cơ chiều bán ra. Thời điểm đó, giá vàng miếng vẫn duy trì ở mức ổn định với chiều mua vào là 80 triệu đồng/lượng và giá bán ra 82 triệu đồng/lượng. 

Hôm sau (24/9), trong bối cảnh giá vàng quốc tế lên mức 2.634 USD/ounce; giá vàng miếng SJC trong nước cũng tăng lên, được niêm yết ở mức 81,5 - 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng mỗi lượng so với phiên ngày 23/9. Giá vàng nhẫn cũng lập đỉnh mới với mức giá niêm yết ở mức 79,8 - 81,10 triệu đồng/ lượng (mua vào - bán ra).

Đến ngày 25/9, giá vàng thế giới tăng 1%, lên mức 2.654,39 USD/ounce bởi căng thẳng ở Trung Đông và nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm thêm lãi suất. Vì vậy, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng từ 1 - 1,29 triệu đồng/lượng lên 80,8 - 81,83 triệu đồng/lượng (mua vào) và 82,3 - 82,93 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn giá vàng miếng SJC vẫn giữ mức ổn định.

Ngày sau đó, 26/9 giá vàng nhẫn tiếp tục tăng thêm từ 400.000 - 500.000 đồng/lượng, lập mức kỷ lục mới là 83,33 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp niêm yết giá vàng ở mức 81,3 - 82,23 triệu đồng/lượng (mua vào) và 82,7 - 83,33 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng SJC vẫn không thay đổi, vẫn ở mức 81,5-83,5 triệu đồng/lượng.

Đến 27/9, giá vàng nhẫn đã tăng thêm từ 200.000 - 310.000 đồng/lượng (chiều mua) và 110.000 - 300.000 đồng/lượng (chiều bán), đạt mức 81,5 - 82,54 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83 - 83,44 triệu đồng/lượng (bán ra). 

Giá vàng nhẫn tiếp tục đổ xô mức kỷ lục cũ để thiết lập kỷ lục mới tại mức 83,45 triệu đồng/lượng. Với diễn biến trên, giá vàng nhẫn đã tiến sát giá vàng miếng SJC.

Giá bán vàng nhẫn 28/9 tăng sát giá vàng miếng SJC, chiều mua vào đã vượt giá vàng miếng lên đến 1 - 1,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết ở mức 81,5 triệu đồng/lượng mua vào và 83 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán.

Trong khi đó, vàng miếng SJC vẫn được niêm yết bán ra ở mức 83,5 triệu đồng/lượng, chiều mua ở mức 81,5 triệu đồng/lượng. Đối với 2 ngày 29/9 và 30/9 ghi nhận giá vàng không có quá nhiều biến động nhưng vẫn giữ nguyên ở mức cao lịch sử. Giá vàng miếng SJC vẫn được niêm yết mua vào 81,5 triệu đồng/lượng, bán ra 83,5 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn được niêm yết phổ biến ở mức khoảng 81,5-82,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và khoảng 83,0 - 83,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Hơn 10 ngày qua, thị trường vàng nhẫn đã ghi nhận đột biến khi giá bán tăng cao mỗi ngày và đạt đỉnh giá chưa từng thấy trong lịch sử. Từ chỗ từng thấp hơn giá vàng miếng đến cả chục triệu đồng mỗi lượng, nay vàng nhẫn đã vươn sát với giá vàng miếng, thậm chí, có nơi giá mua vào của vàng nhẫn còn cao hơn cả giá mua vàng miếng.

Thời điểm giá vàng tăng mạnh, tăng đột biến đã qua?

Trong bối cảnh giá vàng liên tục biến động, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong đã chỉ ra rằng sự tăng giá vàng không chỉ là một hiện tượng tài chính đơn thuần, mà còn tác động đến nền kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Ảnh: Báo Lao Động)
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Ảnh: Báo Lao Động)

Khi giá vàng tăng, người dân và các nhà đầu tư thường có xu hướng đổ tiền vào vàng như một kênh đầu tư hoặc tích trữ. Điều này dẫn đến việc giảm dòng vốn đầu tư vào sản xuất và tiêu dùng. TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh rằng, việc chuyển hướng này có thể gây ra trì trệ trong nền kinh tế, khi nguồn vốn không được phân bổ hiệu quả và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Bên cạnh đó, sự gia tăng nhu cầu vàng trong nước có thể dẫn đến thiếu hụt vàng trong nước. Khi nhu cầu vượt quá cung, Chính phủ sẽ buộc phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Điều này không chỉ tốn kém ngoại tệ mà còn có thể làm suy yếu cán cân thanh toán quốc gia, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế.

Hơn nữa, giá vàng tăng còn có thể dẫn đến một mức lạm phát mới. Khi giá vàng cao, cũng kéo theo sự gia tăng giá cả của các mặt hàng khác. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng, mà còn gây khó khăn cho nền kinh tế.

Có thể thấy, sự biến động của giá vàng không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư cá nhân mà còn là một thách thức lớn đối với sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đã đưa ra những phân tích về dự báo giá vàng trong tương lai. Ông khẳng định rằng việc dự báo giá vàng là một thách thức lớn, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp, bao gồm cả biến động chính trị toàn cầu và các quyết định kinh tế từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, thời điểm giá vàng tăng mạnh, tăng đột biến có lẽ đã qua và hiện tại, thị trường vàng đang trong giai đoạn điều chỉnh. 

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nếu FED tiếp tục có xu hướng giảm lãi suất, điều này có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho giá vàng tăng trở lại. Lãi suất thấp thường dẫn đến việc các nhà đầu tư tìm kiếm những kênh đầu tư an toàn hơn, trong đó vàng luôn là một lựa chọn hàng đầu.

Ông cũng nhấn mạnh, trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ tiếp tục lên xuống dao động, phản ánh sự nhạy cảm của thị trường đối với các tình hình kinh tế và chính trị. 

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Phong tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục có xu hướng tăng nhờ vào vai trò bảo toàn giá trị của nó, nhất là khi lạm phát và bất ổn kinh tế gia tăng.

Với những yếu tố này, các nhà đầu tư nên theo dõi sát sao các diễn biến từ FED cũng như tình hình chính trị thế giới. Việc hiểu rõ bối cảnh và những yếu tố ảnh hưởng sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định hợp lý hơn trong việc nắm giữ hoặc đầu tư vào vàng./.