Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (mã VPB) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền của đợt phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là ngày 29/9/2022.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu hai cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới.

Theo đó, VPBank dự kiến phát hành 2,23 tỷ cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành là 22.377 tỷ đồng.

Nguồn vốn để tăng vốn điều lệ của VPBank được lấy từ hơn 21.002 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 và hơn 1.374 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau khi triển khai phương án, vốn điều lệ của ngân sẽ tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, ngân hàng cũng đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 17,642%.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua tại Nghị quyết số 10/2022/ĐHĐCĐ ngày 29/4/2022 và Hội đồng quản trị thông qua tại Nghị quyết số 208/2022 – HĐQT ngày 1/7/2022.

Ngoài đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, VPBank dự kiến còn 1 đợt tăng vốn nữa bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15%, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.

Nếu thực hiện thành công các đợt phát hành nêu trên, vốn điều lệ của VPBank sẽ được nâng lên từ 45.056 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng, qua đó vươn lên trở thành ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, theo báo cáo mới nhất, VPBank ghi nhận tổng thu nhập gần 31.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng hoạt động cho vay mang về khoản lãi hơn 20.350 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ và chiếm 64% tổng thu nhập.

Trong khi đó, thu nhập thuần từ phí 6 tháng vừa qua của ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng gần 35%, mang về 2.800 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng còn thu về hơn 1.700 tỷ đồng từ hoạt động xử lý nợ, tăng 26% so với cùng kỳ.

Trong khi, tổng thu nhập tăng mạnh, tổng chi phí trong kỳ này của ngân hàng chỉ tăng 20%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng chỉ tăng 12%.

Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 15.323 tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng này ghi nhận được từ trước đến nay.

Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 52% kế hoạch lợi nhuận của cả năm (gần 30.000 tỷ đồng).

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản cân của VPBank đạt gần 608,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 10,5%, đạt 392,5 nghìn tỷ đồng.

Tiền gửi khách hàng ở mức 295,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 22,1% so với đầu năm. Dù vậy, tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng của ngân hàng vẫn đang ở mức khá cao, tới 132,9%.

Về chất lượng tài sản, tại thời điểm cuối tháng 6, ngân hàng đang có tổng cộng 20.625 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tăng tới 27% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ ở mức gần 9.100 tỷ đồng, tăng 20,7% trong khi nợ có khả năng mất vốn ở mức 4.971 tỷ đồng, tăng tới 42,8% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay hợp nhất của ngân hàng theo đó bị kéo mạnh từ 4,57% hồi đầu năm lên 5,25% khi kết thúc quý 2/2022.

Trung Kiên