Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn, quy mô 831.018 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc (dự kiến trình cấp có thẩm quyền sáp nhập vào thành phố Lạng Sơn theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương), Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là "cầu nối" ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 05 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ, hiệu quả cao.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 9%/năm; trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 2,5 - 3,5%/năm; Công nghiệp - xây dựng khoảng 12 - 13%/năm; Dịch vụ khoảng 8 - 9%/năm; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8 - 9%/năm.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12 - 13%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 32 - 33%; Dịch vụ chiếm 50 - 51%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4 - 5%.
GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 đạt khoảng 150 triệu đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%/năm (theo chuẩn nghèo của các giai đoạn). Đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
Về các nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Lạng Sơn đổi mới và hoàn thiện thể chế, cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo và điều hành.
Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng chống thiên tai, xử lý chất thải và nước thải.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người lao động và thu hút nhân tài.
Phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng.
Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn.
Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về các đột phá phát triển, xác định 04 khâu đột phá phát triển, gồm: (i) Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; (ii) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh; (iii) Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (iv) Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành trung tâm dịch vụ cấp vùng
Xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành trung tâm dịch vụ cấp vùng, trung tâm giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước, thành phố cửa khẩu "Xanh" tiêu biểu của Việt Nam.
Tập trung ưu tiên phát triển 06 ngành dịch vụ gồm: (i) Thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; (ii) Du lịch; (iii) Dịch vụ vận tải, kho bãi; (iv) Dịch vụ tài chính ngân hàng; (v) Dịch vụ giáo dục, y tế; (vi) Các dịch vụ khác như viễn thông, dịch vụ hỗ trợ khoa học công nghệ.
Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế tri thức. Phát triển dịch vụ trung gian nhằm tăng cường sự kết nối bổ trợ giữa các ngành kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thúc đẩy tạo lập, phát triển thị trường khoa học - công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển ngành dịch vụ nhất là liên kết với các nước ASEAN, Trung Quốc và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh.
Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xây dựng thương hiệu cho du lịch Lạng Sơn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn.
Tập trung nâng cấp và phát triển nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, tín ngưỡng (các di tích lịch sử, đền chùa, các lễ hội, du lịch cộng đồng); du lịch cửa khẩu; du lịch MICE (hội thảo, hội nghị, khen thưởng, hội chợ, triển lãm...); các sự kiện văn hóa thể thao và các nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ như khám phá công viên địa chất toàn cầu, vui chơi giải trí, du lịch mạo hiểm, du lịch gắn với kinh tế đêm.
Phát triển các loại hình dịch vụ qua biên giới gắn với kinh tế cửa khẩu
Về phương hướng phát triển kinh tế cửa khẩu và Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là một trong những trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ trọng điểm của tỉnh và vùng Đông Bắc, là nơi ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất, gắn với phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái.
Phát triển các loại hình dịch vụ qua biên giới gắn với kinh tế cửa khẩu. Hình thành và phát triển các kho bãi có sức chứa lớn, đa dạng về công năng tùy theo đặc tính thương phẩm và quy trình lưu thông của hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu. Hình thành khu dịch vụ trạm nghỉ để phục vụ xe tải đường dài.
Tiếp tục phát triển 12 cửa khẩu, trong đó tập trung phát triển 05 cửa khẩu: (i) Cửa khẩu Hữu Nghị phát triển trở thành cửa khẩu kiểu mẫu ứng dụng công nghệ cao, cửa khẩu thông minh, là "mô hình điển hình" cho vận tải đường bộ của Việt Nam; (ii) Cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng hướng tới cung cấp chính các dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại; (iii) Nâng cấp cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế và phát triển kho bãi và dịch vụ logistics cho thương mại điện tử; (iv) Nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan (Trung Quốc) thành cửa khẩu song phương; (v) Cửa khẩu Tân Thanh phát triển theo hướng trở thành trung tâm chế xuất nông sản và tiêu thụ hàng nông sản cho Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua sàn giao dịch nông sản.
Ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu, chất lượng cao theo chuỗi giá trị
Về phương hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế đặc sản địa phương, gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch.
Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.
Xây dựng cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có thương hiệu và uy tín, phát triển công nghiệp chế biến và chuỗi phân phối sản phẩm, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu, chất lượng cao theo chuỗi giá trị gồm: Na tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; hồng tại các huyện Cao Lộc, Văn Lãng; thạch đen tại các huyện Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng; hồi tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Bắc Sơn; thông tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Đến năm 2030 có từ 140 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với chăn nuôi truyền thống. Tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và môi trường.
Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, dược liệu dưới tán rừng. Bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng và bảo vệ tốt rừng phòng hộ. Phát triển công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu từ rừng và hình thành các cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, giống cây lâm nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng nhanh diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, từng bước phát triển thị trường tín chỉ các-bon.
Khai thác tối đa diện tích mặt nước sẵn có để nuôi trồng thủy sản, phát triển nuôi thâm canh, lồng bè; nghiên cứu phát triển các loài cá nước lạnh, đặc sản. Chú trọng bảo vệ, tái tạo và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học.