Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm

Tại Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, NHNN đã tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định tại Luật các TCTD năm 2024. 

Về điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong nửa đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng. Đến nay, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Về phía các TCTD, các đơn vị tiếp tục rà soát, đơn giản hoá quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hoá áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hoá; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

 

Đến 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ 03 năm trước. Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt

Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các ngân hàng, của NHNN Chi nhánh các tỉnh/thành phố, đã đi sâu và đánh giá rất đầy đủ, đặc biệt là vấn đề vì sao tín dụng hiện nay vẫn còn tăng chậm, đã nhận diện một cách đầy đủ cả về yếu tố khách quan và chủ quan.

Theo Phó Thống đốc, nhìn chung lại, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thấy được sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các NHTM trước những khó khăn, tác động của nền kinh tế thế giới và trong nước.

Phó Thống đốc một lần nữa nhấn mạnh 10 giải pháp về công tác tín dụng sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến cuối năm, thậm chí các giải pháp này sẽ được tập trung với cường độ cao hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo điều hành.

Thứ nhất, xung quanh công tác tín dụng để đảm bảo được hoạt động mạnh mẽ, thanh khoản cho nền kinh tế, thanh khoản của các ngân hàng luôn dồi dào, không một ngân hàng nào thiếu vốn. NHNN sẵn sàng có biện pháp hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết.

Thứ hai, ngay từ đầu năm, không còn câu chuyện room tín dụng, NHNN khuyến khích đẩy mạnh tín dụng. Ngay từ đầu năm, nếu chỉ tiêu tín dụng gần hết mà cho vay hiệu quả thì NHNN sẵn sàng mở thêm cho các NHTM, tuy nhiên vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua và năm nay vẫn quyết liệt.

Thứ tư, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Thứ năm, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ sáu, triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Thứ bảy, theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Thứ tám, chỉ đạo thông qua hội nghị, truyền thông và qua rất nhiều phương tiện để làm sao đẩy mạnh tín dụng, kể cả góc độ ngân hàng cho vay và khách hàng có nhu cầu vay;

Thứ chín, hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai đồng bộ và đổi mới cả phương thức, không chỉ NHNN Chi nhánh tỉnh/thành phố mà cả các NHTM tham gia tổ chức, coi đây là giải pháp có tính chất rất trực tiếp để tháo gỡ khó khăn giữa hai bên, qua đó thống nhất, chia sẻ và nắm bắt đầy đủ thông tin của khách hàng.

Thứ 10, thời gian qua đã tổ chức các đoàn công tác của Lãnh đạo NHNN tại các địa phương về công tác tín dụng để cùng phối hợp, chỉ đạo và chia sẻ, cùng hỗ trợ các ngân hàng trên địa bàn.