Sự hồi phục tăng trưởng

Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways - ông Phan Đình Tuệ đã báo cáo tại sự kiện về kết quả kinh doanh trong năm vừa qua, kết quả tái cấu trúc và kế hoạch trong năm 2024 cùng nhiều thông tin quan trọng liên quan tới sự hồi phục tăng trưởng của doanh nghiệp.

Đội bay của Công ty dù đã giảm 19% so với năm 2022 vì thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, nhưng doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ vẫn tăng 6% so với năm 2022, khi đạt 12.392,9 tỷ đồng.

Trong đó, tỷ lệ ghế suất tăng lên mức 87%, với trung bình doanh thu hành khách tăng 14%, phụ trợ tăng 25%. Năm 2023, Bamboo Airways ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp được đưa về mức dương 236,8 tỷ đồng, (so với -19.798,4 tỷ đồng năm 2022).

Từ mức 46% năm 2022, tỷ lệ lỗ trên tổng doanh thu thuần đã giảm còn 29% trong năm 2023. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp sụt giảm khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm ngoái. Tính đến nay, doanh nghiệp không còn nợ tiền thuê máy bay.

Bamboo Airways đặt mục tiêu hòa vốn và có lãi kể từ năm 2025 - ảnh 1

Nhìn chung, hãng hàng không này đã hoàn thành giai đoạn tái cấu trúc đội bay. Công ty hiện đang tập trung triển khai đội tàu bay đơn dòng (Single- Fleet), với 08 máy bay thân hẹp A320/A321.

Bamboo Airways đã thay đổi nhà cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất từ SAGS HGS sang Pacific Airlines nhằm tối ưu chi phí. Đồng thời, triển khai tự phục vụ để tiết kiệm 20% chi phí phục vụ mặt đất cho mỗi chuyến bay. Bên cạnh đó, công ty đàm phán thành công về việc chuyển đổi Hệ thống phục vụ hành khách (PSS) từ Amadeus sang Navitaire. Theo dự kiến, sẽ triển khai vào tháng 4 năm sau. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tiết kiệm ít nhất 20 triệu USD, tức khoảng hơn 508 tỷ đồng trong vòng 5 năm tới.

Đẩy mạnh phát triển

Dự kiến trong năm nay, tổng doanh thu của Bamboo Airways đạt 4.857 tỷ đồng và lỗ giảm về mức 1.387 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch khai thác 9 tàu bay thân hẹp Airbus và có thể nâng lên là 12 chiếc vào cuối năm và 18 chiếc vào cuối năm sau nếu được cho phép. Bên cạnh đó, hãng cũng đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ từ 81 lên 85% lấp đầy trung bình, giữ được giờ khai thác tàu bình quân trên 12 BH/ngày/máy bay.

Căn cứ vào đội tàu được tăng thêm từ nay đến cuối năm, dự kiến Bamboo Airways sẽ tăng tần suất các đường bay khai thác, mở lại một số đường bay nội địa như TP.HCM - Phú Quốc, TP.HCM - Đà Lạt hay TP.HCM - Thanh Hóa… Đồng thời, thực hiện nghiên cứu khai thác lại một số đường bay thường lệ quốc tế như TP.HCM - Bangkok.

Nhằm đảm bảo về nhu cầu khai thác, hãng cần được cung cấp bổ sung 1.690 tỷ đồng vốn trong 7 tháng cuối năm nay qua các biện pháp huy động vốn từ các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng trong và ngoài nước theo quy định.

Nhiều nội dung quan trọng tại sự kiện đã được ĐHĐCĐ thông qua với tỷ lệ nhất trí cao như Phương án lựa chọn công ty kiểm toán độc lập các báo cáo tài chính năm 2024 của Công ty; Phương án phân phối lợi nhuận tài chính năm 2023 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024; Chủ trương lựa chọn nhà đầu tư và các công việc liên quan; Thay đổi số lượng, chức danh Người đại diện theo pháp luật và sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc bầu bổ sung ông Vũ Minh Tuấn vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.

Theo Tổng giám đốc Lương Hoài Nam phát biểu bế mạc, dù việc tái cấu trúc là rất khó khăn nhưng công ty vẫn đặt mục tiêu chỉ lỗ nốt năm nay. Kể từ năm 2025, sẽ hòa vốn và bắt đầu kinh doanh có lãi ở những năm tiếp theo.

Mục tiêu đưa công ty lên sàn giao dịch chứng khoán trong vòng 3 năm là rất tham vọng. Tuy nhiên, HĐQT và ban điều hành cam kết nỗ lực hết mình để hoàn thành mục tiêu đó, cũng như kỳ vọng thị trường thuận lợi để công ty có kết quả tốt, mang lại giá trị cho đông đảo hành khách và các cổ đông./.