Cầm cự, cố gắng duy trì sản xuất
Theo phản ánh của các doanh nghiệp dệt may, 5 tháng đầu năm 2022, giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ năm trước do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistics neo ở mức cao. Điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước - đặc biệt là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB (đơn hàng sản xuất theo hình thức mua nguyên liệu – bán thành phẩm).
Tương tự, với các doanh nghiệp ngành gỗ, căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây đã khiến Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn sang các nước châu Âu và Mỹ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu trên toàn cầu, kéo theo giá gỗ nguyên liệu tăng cao. Theo Trading Economics, giá gỗ xẻ Mỹ đã tăng 25% so với đầu năm, đã dẫn đến giá trị nhập khẩu mặt hàng gỗ nguyên liệu tại Việt Nam đã sụt giảm so với năm trước. Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VnDirect dự báo, biên lợi nhuận gộp của các công ty ngành gỗ và nội thất trong nước sẽ tiếp tục giảm 0,4-0,6 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2022 do nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics tăng cao.
Cũng về vấn đề này, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có mặt hàng tăng tới hơn 40%, cùng với giá xăng dầu lên cao kỷ lục khiến các doanh nghiệp không chỉ khó về nguồn cung mà còn khó khăn về nguồn vốn để mua nguyên vật liệu cũng như chi trả chi phí sản xuất. Bà Lý Kim Chi lấy ví dụ, nếu như trước đây, doanh nghiệp chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, nghĩa là phải cần 150 tỷ đồng. Vì thế, doanh nghiệp đang rất cần thêm nguồn vốn cho sản xuất, bởi nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao, kéo theo áp lực lên lạm phát. “Doanh nghiệp lương thực thực phẩm hiện khó khăn muôn bề, phải dùng kênh huy động vốn khác mới được duy trì sản xuất đến thời điểm này”, bà Chi nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, nếu giá tăng sẽ ảnh hưởng sức mua và tác động tới lạm phát… Do đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, ngành lương thực, thực phẩm đã duy trì mặt bằng giá, thực hiện các chương trình bình ổn, không để lạm phát tăng cao. Dù ngành lương thực, thực phẩm đang được ưu đãi về lãi suất nhưng theo các doanh nghiệp là không thế bù đắp hết được chi phí ngày một tăng.
Cùng cảnh ngộ, đại diện một doanh nghiệp ngành vận tải - du lịch cho hay, nguồn vốn của doanh nghiệp chủ yếu từ vay vốn cổ đông hoặc khách hàng mua tour trả trước, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp nên phải vay vốn tín chấp với lãi suất lên tới 13-14%/tháng, mức lãi suất này chỉ đủ để doanh nghiệp cầm cự, đảm bảo lượng xe chạy đủ, lương nhân viên, nên rất khó đảm bảo có lãi trong bối cảnh hiện nay.
Mặt khác, một vấn đề nữa hiện nay là thực trạng ngân hàng có tiền cũng không thể cho doanh nghiệp vay, do “kẹt” ở hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng. Vì thế, nhiều ngân hàng đang “ngóng” Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sớm gia hạn room tín dụng để các ngân hàng có thêm dư địa giải ngân các gói tín dụng, trong đó có tín dụng ưu đãi.
Cần giải toả nút thắt về vốn
Hiện nay, NHNN đã có thông tư hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ. Vì thế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu triển khai gói hỗ trợ này và đã được NHNN phê duyệt mức hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cụ thể, Agribank thông báo đã được phê duyệt hạn mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô dự kiến 2.500 tỷ đồng trong năm 2022 đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất. ABBank được phê duyệt 264 tỷ đồng dành để hỗ trợ giảm lãi suất. Tương ứng, sẽ có khoảng 13.000 tỷ đồng dư nợ cho vay sẽ được ưu đãi. Với VietinBank, khoảng 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng thuộc nhóm có thể được giảm lãi suất theo Nghị định 31. Do đó, ngân hàng này được dành 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất trong năm nay và năm sau…
Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vẫn là vấn đề lớn với các doanh nghiệp. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Tân Quang Minh cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn này đang rất khó, ngay cả chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, doanh nghiệp cũng chưa biết làm như thế nào để tiếp cận được.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Nghị trường Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp này có nhiều điều kiện hạn chế như tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu hàng hóa... nên mức xếp hạng tín nhiệm chưa cao. Các tổ chức tín dụng phải đánh giá tín nhiệm để đưa ra mức lãi suất phù hợp, lãi suất với doanh nghiệp tín nhiệm thấp phải cao hơn so với doanh nghiệp tín nhiệm cao. Những doanh nghiệp còn nhiều hạn chế sẽ không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng, bởi các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo nguyên tắc về vay vốn, khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ, vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân.
Trước những khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp vẫn cần những chính sách ưu đãi và đặc thù hơn để tăng khả năng tiếp cận vốn. Bà Lý Kim Chi kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp để nâng hạn mức giải ngân, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn, đặc biệt là với những đơn vị làm ăn tốt. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất lương thực cho rằng, các doanh nghiệp cần được vay vốn lâu dài, ngân hàng nâng mức cho vay và triển khai các chính sách nhanh hơn, để doanh nghiệp có thêm vốn sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đang “tha thiết” kiến nghị NHNN nới thêm room tín dụng hoặc có thể có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng, loại trừ các khoản cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2% ra khỏi cách tính room tín dụng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, nhu cầu vốn, tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room.