Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) xác định đây năm nay chuyển mình sau giai đoạn tái cơ cấu với kế hoạch doanh thu cả năm 16.249 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với 2022. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 233 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần cùng kỳ.
Hết quý 1/2023, Xây dựng Coteccons đạt với doanh thu thuần đạt gần 3.130 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, các mảng hoạt động của CTD đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt hơn 3.124 tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng doanh thu. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm 17% còn gần 56 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng 12% lên gần 85 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi ngân hàng, song chi phí tài chính lại gấp 1,7 lần cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng mạnh.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh, Tổng Giám đốc CTD Võ Hoàng Lâm cho biết, không chỉ biên lãi gộp mà còn cả doanh thu quý 1 cũng thấp. Doanh thu và lợi nhuận quý 1 đang đúng theo kế hoạch đã dự báo.
“Thực tế, Coteccons đã trải qua hai, ba năm rất khó khăn và điều này vẫn đang tiếp tục tiếp diễn. Những dự báo về thị trường chúng tôi đã đưa ra từ rât sớm. Hi vọng những quý sau số liệu tài chính sẽ khả quan hơn”, ông Võ Hoàng Lâm chia sẻ.
Đại diện của Coteccons cũng cho rằng, năm 2023, CTD chỉ ra nhiều thách thức cho ngành xây dựng. Đầu tiên, nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt, khó khăn trong việc phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng thực hiện triển khai dự án.
Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư do khách hàng bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản của sản phẩm, dự án bất động sản, từ đó làm giảm số lượng dự án mới, tăng tỷ lệ nợ xấu đối với các công ty xây dựng.
Ông Võ Hoàng Lâm cho biết kế hoạch năm 2023 dựa trên giá trị back-log để lại cho 2023 của công ty là 17.000 tỷ, chưa bao gồm Nhà máy sản xuất LEGO và kỳ vọng trúng thầu các dự án đầu tư công như siêu dự án sân bay Long Thành,...
Cụ thể, với các dự án mega (siêu dự án), công ty sẽ kết hợp với các nhà thầu quốc tế để có được những dự án EPC khác biệt trên thị trường. Đối với các dự án hạ tầng, đây là các dự án cao tốc sân bay, đường bộ, tàu điện,... Coteccons đang có những bước đi mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này.
Coteccons đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh thu sẽ đạt 3 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD nên ngay tại thời điểm này, công ty xác định việc có được một chiến lược để mở rộng quy mô doanh thu là rất cần thiết.
Đáng chú ý, CTD dự kiến trình cổ phiếu việc kêu gọi vốn đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons. Theo CTD, điều này đến từ “sức ép” chỉ còn 2 năm để thực hiện mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD (đến năm 2025) được ban lãnh đạo mới CTD tuyên bố tại ĐHĐCĐ đầu tiên đã đổi chủ. Do đó, CTD nhấn mạnh một chiến lược để mở rộng quy mô doanh thu là rất cần thiết.
Với CTD, Công ty cũng dự kiến thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.