Như chúng tôi đã đưa tin, mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh áp dụng từ 20/12 đến hết ngày 31/12/2025. Sau điều chỉnh, giá đất tại nhiều tuyến đường Hà Nội tăng lên gần 700 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, trong các huyện có giá đất điều chỉnh, tăng mạnh nhất thuộc về huyện Thanh Trì - nơi được quy hoạch đặt ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam với mức giá cao nhất gần 117 triệu đồng/m2, vượt Đông Anh, Gia Lâm.

Cụ thể, tại huyện Thanh Trì giá đất ở vị trí đẹp nhất trên 3 tuyến đường, gồm Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều), Nghiêm Xuân Yêm (đoạn qua xã Tân Triều và đoạn từ Cầu Dậu đến hết xã Thanh Liệt) và Phạm Tu có mức cao nhất 116,9 triệu đồng/m2. Đây cũng là mức giá cao nhất trong số các huyện của Hà Nội sau điều chỉnh bảng giá đất.

67690f509fc79.jpg
Khu đất màu vàng dự kiến đặt ga Ngọc Hồi. (Ảnh minh họa)

Xếp ngay sau Thanh Trì là huyện Gia Lâm với mức giá hơn 68 triệu đồng/m2 tại đường Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên), tăng 195%. Đường Nguyễn Đức Thuận (thị trấn Trâu Quỳ) có giá đất điều chỉnh lên hơn 65 triệu đồng/m2, tăng hơn 310%.

Tại huyện Đông Anh, đường Cao Lỗ (đoạn qua thị trấn Đông Anh) và Quốc lộ 3 (đoạn qua thị trấn Đông Anh) là hai tuyến đường có giá đất cao nhất với 46 triệu/m2.

Ngoài ra, 4 tuyến đường có giá đắt thứ hai bao gồm đường từ ngã tư nhà máy ô tô 1/5 đi nhà máy ô tô Cổ Loa; đường từ Quốc lộ 3 đi Công ty Đông Thành; đường từ Quốc lộ 3 qua ga Đông Anh đến Ấp Tó và đường Lâm Tiên, đồng loạt có giá đất ở VT1 là 40,7 triệu/m2.

Tại huyện Hoài Đức, theo bảng giá đất mới, đường Vạn Xuân (đoạn qua Thị trấn trạm Trôi), đường Vạn Xuân (đoạn qua xã Kim Chung), Đại lộ Thăng Long (đoạn qua xã An Khánh) có giá cao nhất từ hơn 51 triệu đồng đến hơn 53,3 triệu đồng/m2…

Được biết, các mức điều chỉnh này được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra trên cơ sở điều tra, khảo sát giá chuyển nhượng thực tế hai năm qua. Cơ quan này thu về hơn 20.740 phiếu khảo sát tại 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn.

Theo đơn vị này, giá chuyển nhượng đất ở thực tế tại các huyện, phổ biến dao động 1,2 triệu - 70 triệu đồng một m2. Một số trường hợp cá biệt có giá đột biến như ở các lô đất có ít nhất một mặt giáp mặt đường tại quốc lộ 32, thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) với 100 triệu một m2. Hoặc thửa đất giáp mặt đường ở phố Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) 120 triệu đồng mỗi m2.

Còn giá mua bán thấp nhất được khảo sát là 210.000 đồng một m2 với lô mặt ngõ rộng 3,5 m trở lên, tại đường Thân Nhân Chung, thị trấn Sóc Sơn.

Tại bảng giá mới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng giá đất ở tại các huyện với mức phổ biến 150 - 190%. Trong đó, mức 190% áp dụng tại các tuyến phố của 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng tăng bình quân 175%./.