Sau nhiều năm tập trung phát triển các dự án bất động sản tại các khu vực trung tâm thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng… Vài năm trở lại đây, do quỹ đất trong nội đô ngày càng khan hiếm và việc phê duyệt dự án gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đổ về các khu vực vùng ven săn tìm quỹ đất để phát triển dự án.

Mới đây, chia sẻ trên tờ The Star, Chủ tịch Gamuda Land Angus Liew cho biết, đã mua lại khu đất rộng trên 1,1 ha ở TP. Hải Phòng để xây dựng khu chung cư, với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ ringgit, tương đương hơn 5.700 tỷ đồng.

Theo thông báo trên fanpage (trang mạng xã hội chính thức) của Gamuda Land mới đây, nhà phát triển bất động sản đến từ Malaysia cũng cho biết sắp ra mắt dự án ở Hải Phòng - điểm đến tiếp theo của họ tại thị trường Việt Nam, sau Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương.

Gamuda Land gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2007. Đến nay, công ty đã phát triển loạt khu đô thị, căn hộ quy mô lớn như dự án Celadon City với 82 ha tại Tân Phú và Eaton Park ở TP. Thủ Đức (TP.HCM); Artisan Park ở Bình Dương hay Gamuda Gardens hơn 260 ha ở Hà Nội.

Tương tự, bên cạnh kế hoạch thâu tóm quỹ đất thô, hướng đi được nhiều chủ đầu tư ưa chuộng vẫn là hoạt động chuyển nhượng quỹ đất sạch. Chủ đầu tư An Gia chọn tập trung vào M&A để tiếp cận quỹ đất có thể làm dự án nhanh. Năm nay, doanh nghiệp này đặt mục tiêu mua lại các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư ở vùng ven TP.HCM.

Đại diện An Gia cho biết mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm đất có giá hợp lý để cân chỉnh chi phí phát triển sản phẩm vừa túi tiền. Tuy nhiên, giá đất và chi phí sử dụng đất đang tăng nhiều so với trước đây, gây không ít khó khăn cho các chủ đầu tư muốn phát triển loại hình nhà ở này. "Muốn tìm quỹ đất làm nhà tầm trung rất khó vì đất sạch không còn nhiều, giá thành cao. Còn bán giá cao thì người mua khó tiếp cận", đại diện An Gia cho hay.

67b0140e3456f.jpg
Ảnh minh họa

Xu hướng dịch chuyển ra vùng ven sẽ ngày càng rõ nét

Trong bản tin vừa phát hành, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện rất nhiều nhà đầu tư bất động sản, bao gồm cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đang “tăng tốc” dịch chuyển đầu tư từ khu vực trung tâm sang vùng ven thành phố và các tỉnh, thành lân cận nơi quỹ đất còn dư địa và hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh.

Xu hướng này không chỉ phản ánh nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản (BĐS) mà còn chịu tác động của các yếu tố khách quan như chính sách quy hoạch, hạ tầng giao thông và sự thay đổi trong nhu cầu của người mua.

Theo VARS, giá bất động sản trung tâm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng cao, đạt đến mức kỷ lục, khiến việc đầu tư trở nên khó khăn hơn khi chi phí vốn tăng cao, trong khi biên lợi nhuận giảm dần hoặc khó đảm bảo khi các dự án khu vực trung tâm thường gặp các vấn đề về pháp lý, thời gian triển khai kéo dài. Điều này buộc các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính không mạnh phải tìm kiếm những thị trường tiềm năng ở vùng ven.

Thêm nữa, việc Chính phủ và các địa phương đang đẩy mạnh quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh, mở rộng không gian đô thị để giảm tải áp lực dân số và hạ tầng tại trung tâm, giúp các quận/huyện ven trung tâm và tỉnh, thành kề bên 2 đô thị đặc biệt trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp.

Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, bao gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai hay hệ thống giao thông công cộng như metro, rút ngắn thời gian kết nối các khu vực vệ tinh với trung tâm thành phố, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho BĐS mà còn thu hút lượng lớn nhu cầu của khách mua nhà.

Ngoài ra, việc các dự án đại đô thị “all in one” được đầu tư tại các khu vực vùng ven, không chỉ thúc đẩy hạ tầng và thương mại phát triển mạnh mẽ, mà còn kéo theo giá trị BĐS khu vực xung quanh tăng lên, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Một nguyên nhân khác được đơn vị này chỉ ra là thời gian gần đây, giá BĐS tại khu vực trung tâm tăng mạnh, các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng “tăng tốc” dịch chuyển dòng tiền về nơi giá đất còn mềm và tiềm năng tăng trưởng cao. Các nhà đầu tư cá nhân thường tập trung vào các loại hình như đất nền, nhà phố thương mại, hoặc các dự án khu đô thị mới với giá trị đầu tư hợp lý.

Cụ thể, thay vì tập trung vào lướt sóng ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn chiến lược tích lũy quỹ đất ở vùng ven, đón đầu sự phát triển trong tương lai khi hạ tầng được hoàn thiện.

Xu hướng này cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án, với quy mô đa dạng. Nhiều doanh nghiệp BĐS lớn đã đón đầu cơ hội, phát triển các khu đô thị quy mô lớn ở các tỉnh lân cận. Những dự án như Aqua City (Đồng Nai), Izumi City (Biên Hòa) hay Vinhomes Ocean Park (Hà Nội), Sun Urban City (Hà Nam) là minh chứng cho sự dịch chuyển này.

Đối với các doanh nghiệp BĐS quy mô vừa và nhỏ, việc phát triển dự án tại khu vực vùng ven, các đô thị vệ tinh hay các tỉnh/thành lân cận hai đô thị đặc biệt không chỉ là cơ hội mà còn gần như là hướng đi tất yếu trong bối cảnh các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS ngày càng siết chặt, nhất là chi phí đất đai tăng cao, khiến họ không đủ năng lực cạnh tranh và phát triển dự án tại khu vực trung tâm.

"Xu hướng dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm sẽ ngày càng được định hình rõ nét. Bởi việc đầu tư BĐS tại khu vực trung tâm hiện chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có nhu cầu tích lũy tài sản trong dài hạn. Trong khi đó, giá BĐS tại một số khu vực có quy hoạch tốt, hạ tầng phát triển còn tương đối “rẻ”, có biên độ tăng giá lớn trong tương lai. Đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở tại các khu vực ngoài trung tâm sẽ tiếp tục tăng. Các chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển đô thị vùng ven, cũng tạo động lực cho các nhà đầu tư”, VARS nhận định./.