Báo cáo Tổng hợp thông tin hội viên trong tháng 1/2025 vừa được Ban Công tác hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) công bố cho biết, kết thúc năm 2024, Vietcombank tiếp tục giữ được vị trí quán quân về lợi nhuận với con số vượt xa các đối thủ còn lại khi đạt hơn 42.200 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm trước.

Đứng thứ 2 là VietinBank khi có mức tăng trưởng mạnh trong quý IV/2024 (tăng 61%), đẩy lợi nhuận cả năm tăng 27% so với năm trước, với mức lợi nhuận trước thuế 31.758 tỷ đồng.

67af00f13aec9.jpg

MB ở vị trí thứ 3, với 28.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9,5% so với năm 2023.

Tiếp đến là Agribank với lợi nhuận trước thuế ghi nhận ở mức 27.927 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2023.

Trong nhóm ngân hàng TMCP, ngoài MB, các ngân hàng khác như Techcombank và ACB tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế lần lượt là 27.538 tỷ đồng và 21.006 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 20,3% và 4,7% so với năm 2023.

VPBank đã quay trở lại đường đua với vị trí tiếp theo khi tăng lợi nhuận lên gần gấp đôi từ hơn 10.000 tỷ đồng năm trước lên hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2024 nhờ sự phục hồi của FE Credit.

Hai ngân hàng HDBank và Sacombank với mức lãi trước thuế lần lượt là 16.000 tỷ đồng và 12.700 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 22,9% và 32,4%.

Xuất hiện 4 ngân hàng có tổng tài sản hơn 2 triệu tỷ đồng

Về tổng tài sản, báo cáo cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục giữ vị trí quán quân về tổng tài sản, bỏ xa các ngân hàng còn lại với hơn 2,76 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) xếp các vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng tổng tài sản (đều trên 2 triệu tỷ đồng).

67af010e125bd.jpg

Trong nhóm ngân hàng TMCP, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là ngân hàng duy nhất có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, những gương mặt tiếp theo có thể kể đến như: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Theo báo cáo, tổng tài sản các ngân hàng tăng mạnh chủ yếu là tăng trưởng tín dụng ghi nhận tăng mạnh hơn về cuối năm và có sự phân hoá giữa các tổ chức.

Liên quan đến hoạt động của các ngân hàng, mới đây, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.

Tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn giải quyết nhiều công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; tín dụng cho các dự án BOT, hợp tác công tư; tín dụng tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản…

Nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước…

Theo Thủ tướng, hoạt động ngân hàng phải rất linh hoạt, căn cứ tình hình cụ thể, nếu tình hình đặc biệt thì phải có cách ứng xử đặc biệt, phát huy văn hóa, đạo đức kinh doanh, sự tin tưởng lẫn nhau, tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong những lúc khó khăn để cùng nhau vượt qua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và có những lúc phải hy sinh, góp phần tri ân các thế hệ đi trước, những người đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước, vì nhân dân./