Số liệu được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo về thị trường bất động sản quý IV/2024 vừa phát hành mới đây.
Theo đó, tại báo cáo trên, dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đơn vị quản lý ngành xây dựng cho biết, tính đến 31/11/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.350.918 tỷ đồng.
Trước đó, kết thúc tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản ghi nhận là 1.327.290 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng một tháng qua (từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/2024) các ngân hàng đã rót thêm vào thị trường bất động sản hơn 23.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong hơn 1,3 triệu tỷ đồng đang được các nhà băng dành cho vay kinh doanh bất động sản thì dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác chiếm tỷ trọng cao nhất với 446.545 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị chiếm 378.844 tỷ đồng,
Tiếp đến là dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 131.342 tỷ đồng.
Đứng thứ 4 là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê 116.748 tỷ đồng.
Thứ 5 là dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 102.225 tỷ đồng…
![67a42825b64f1.jpg](https://media.kinhdoanhvaphattrien.vn/files/xuan.tung/2025/02/06/67a42825b64f1.jpg)
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã và đang tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế; trong đó có lĩnh vực bất động sản, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Đồng thời, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn liên quan tới thủ tục, quy định và cơ chế giãn, hoãn nợ và thúc đẩy một số lĩnh vực kể cả bất động sản và xây dựng để tạo khởi sắc cho nền kinh tế”, Bộ Xây dựng đánh giá.
Trong khi đó, báo cáo với Thủ tướng tại cuộc gặp mặt triển khai nhiệm vụ đầu xuân 2025, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm qua, đơn vị này tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần ứng phó phù hợp các cú sốc bên ngoài.
Đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; quản lý hoạt động kinh doanh vàng là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được; sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững; nợ xấu được tập trung xử lý, kiểm soát...
Tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản…/.