Thông tin được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Báo cáo Tình hình thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tháng 1/2025.

Theo đó, tính đến hết tháng 1, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,09 tỷ USD, chiếm 23,5% trong tổng số hơn 4,33 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký nước ngoài vào Việt Nam, giảm 6,4% so với cùng kỳ.

Trước đó, tính đến hết năm 2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với 6,31 tỷ USD (tăng 1,64 tỷ USD so với năm 2023) và chiếm 16,5% trong tổng số 38,23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

67a1da4d6d0c8.jpg
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam trong năm 2024 tăng mạnh khi thị trường trong năm được đánh giá đã “vượt khó” thành công và có nhiều chuyển biến hồi phục tích cực.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây cho thấy, tính chung năm 2024, thị trường ghi nhận khoảng 81.000 sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023.

Lượng giao dịch trong năm cũng tiếp tục tăng trưởng ổn định khi nguồn cung được cải thiện cả về lượng và chất. Nhu cầu mua BĐS, bao gồm để ở và đầu tư cao và đang không ngừng tăng cùng tốc độ đô thị hóa, quá trình phát triển kinh tế trên nền tảng hành lang pháp lý được hoàn thiện.

Trong năm, thị trường ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương tỷ lệ hấp thụ đạt 72%, với hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư.

Về giá bán, báo cáo của VARS cho biết, giá bán nhà ở phục hồi và tăng liên tục từ đầu năm do nguồn cung tăng trưởng mạnh theo năm, nhưng vẫn thiếu và yếu so với nguồn cầu. Do các dự án mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư tăng cao, nhất là phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn.

Nghiên cứu về chỉ số giá căn hộ phản ánh mức biến động giá bán bình quân của các dự án trong tập mẫu 150 dự án được VARS chọn lọc và quan sát cho thấy, đến cuối năm 2024, giá bán trung bình của cụm mẫu dự án ở TP Hà Nội đã tăng 72,4% so với quý II/2019. Theo sau là Đà Nẵng với mức tăng so với kỳ gốc đạt 49,9%, trong khi TP Hồ Chí Minh chứng kiến mức tăng chậm hơn, khoảng 34,3% so với kỳ gốc khi thị trường mới bắt đầu ghi nhận các dự án mở bán từ quý III/2024.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 1/2025, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong tháng, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,09 tỷ USD, chiếm gần 71,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 99,1% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,09 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; cấp nước và xử lý chất thải với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt 98,8 triệu USD và 73,8 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Tháng đầu năm, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 1 năm 2025. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng hơn 1,39 tỷ USD, chiếm 32,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 6,1 lần cùng kỳ. Đồng Nai đứng thứ hai với gần 959 triệu USD, chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,4 lần cùng kỳ. Hà Nội đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 716,4 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng; Bình Dương…

Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 35,5%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 19%) và GVMCP (chiếm 64,2%).