Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 4010/QĐ-UBND ngày 16/10/2018.

Theo quyết định nêu trên, dự án có quy mô rộng 48 ha. Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty Cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam - Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển Hòa Bình (gọi tắt là Liên danh nhà đầu tư). Tổng chi phí thực hiện dự án là 4.193.206.670.000 đồng (không bao gồm 173.832.230.000 đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng).

Tiến độ thực hiện dự án không quá 05 năm kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.

Ngày 27/3/2019, bên mời thầu (Sở Xây dựng) đã ký Hợp đồng dự án số 15/2019/HĐ-LDMT với Liên danh nhà đầu tư, theo đó, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày 27/4/2019.

Mới đây, theo báo cáo của Sở Xây dựng, hợp đồng thực hiện dự án đến nay đã hết hiệu lực (hết hiệu lực từ ngày 27/4/2024), tuy nhiên, Liên danh nhà đầu tư vẫn chưa được giao đất để thực hiện dự án do còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.

Cụ thể, dự án chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao đất cho Liên danh nhà đầu tư; kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa đảm bảo.

Dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã có quy mô rộng 48 ha với tổng chi phí thực hiện dự án là 4.193.206.670.000 đồng.
Dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã có quy mô rộng 48 ha với tổng chi phí thực hiện dự án là 4.193.206.670.000 đồng.

Theo trích đo Bản đồ địa chính số 05/TĐĐC-2023 được Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt ngày 29/10/2023 thì diện tích đất chuyên trồng lúa (LUC) cần được chuyển đổi mục đích sử dụng trong phạm vi dự án là 30,86 ha/48,05 ha. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa trong năm 2023 được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt tại Quyết định số 3065/QĐ-UBND ngày 30/8/2023 tại phường Đông Hải chỉ có 28,05 ha. Như vậy, diện tích đất chuyên trồng lúa được phép chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 tại phường Đông Hải không đảm bảo chỉ tiêu.

Về vấn đề quy hoạch, cơ quan chức năng kết luận, quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án chưa phù hợp với quy hoạch phân khu 1/2000. Sở Xây dựng đã phối hợp, làm việc nhiều lần với Liên danh nhà đầu tư nhưng đến nay, Liên danh nhà đầu tư chưa có phương án quy hoạch đảm bảo các nội dung theo yêu cầu.

Để xác định cụ thể thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án, cũng như thời gian cần thiết để thực hiện phần công việc còn lại, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo UBND thành phố Thanh Hoá xác định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc chậm bồi thường GPMB và chuyển đổi đất trồng lúa. Xác định các phần việc còn lại của công tác bồi thường, GPMB và dự kiến thời gian hoàn thành công tác bồi thường GPMB bàn giao quỹ đất cho Liên danh nhà đầu tư.

Chỉ đạo Liên danh nhà đầu tư làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm triển khai dự án; xác định cụ thể các mốc thời gian thực hiện dự án sau khi được cấp có thẩm quyền bàn giao mặt bằng...

Ngoài ra, Sở Xây dựng yêu cầu Liên danh nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành việc rà soát, lập phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa thực hiện các nội dung cung cấp các hồ sơ liên quan đến công tác bồi thường, GPMB và ký cam kết GPMB; chủ động làm việc với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (ngân hàng phát hành thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng) để xem xét việc gia hạn thời gian bảo lãnh thực hiện hợp đồng dự án.

Công văn chỉ đạo số 7964 của UBND tỉnh Thanh Hoá.
Công văn chỉ đạo số 7964 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Phản hồi về trách nhiệm trong công tác bồi thường, GPMB, UBND thành phố Thanh Hoá cho rằng, khu vực thực hiện dự án có diện tích đất chuyên trồng lúa nước. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được HĐND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chuyển mục đích đất trồng lúa. Bởi vậy, UBND thành phố chưa có cơ sở để quyết định thu hồi đất, lập và phê duyệt phương án bồi thường GPMB theo quy định.

Đối với các nội dung liên quan đến công tác bồi thường GPMB, UBND thành phố Thanh Hoá đã phối hợp với chủ đầu tư triển khai thực hiện và có báo cáo cụ thể, việc chậm bồi thường GPMB không thuộc trách nhiệm của UBND thành phố Thanh Hoá.

Mới đây, tại Công văn số 7964, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo UBND thành phố Thanh Hóa xác định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc chậm bồi thường GPMB, chuyển đổi đất trồng lúa; xác định các phần việc còn lại của công tác bồi thường, GPMB; dự kiến thời gian hoàn thành công tác bồi thường GPMB bàn giao quỹ đất cho Liên danh nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Liên danh nhà đầu tư làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm triển khai dự án; xác định cụ thể mốc thời gian thực hiện dự án sau khi được cấp có thẩm quyền bàn giao mặt bằng; hoàn thành việc rà soát, lập phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa cung cấp các hồ sơ liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, ký cam kết GPMB; chủ động làm việc với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (ngân hàng phát hành thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng) để xem xét việc gia hạn thời gian bảo lãnh thực hiện hợp đồng dự án…

Như vậy, sau nhiều năm được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã vẫn đang ngổn ngang, dang dở. Mục tiêu “xây dựng khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đảm bảo khớp nối về không gian kiến trúc và hạ tầng với các dự án lân cận” của dự án hiện vẫn nằm trên giấy./.