Thứ 4 ngày 1 tháng 5 năm 2024 / 4:32

Soi năng lực của DOJI và Conteccons trước giờ “so găng” tại dự án tổ hợp hơn 4.600 tỷ đồng

Trong 2 liên danh lọt qua vòng sơ loại dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở hơn 4.600 tỷ đồng ở Thừa Thiên Huế, nổi lên 2 cái tên vừa quen vừa lạ trên thị trường bất động sản, đó là DOJI và Contecons.
DOJI | dự án | khu đô thị | Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI | Đỗ Minh Phú | Conteccones | Soi năng lực của DOJI và Conteccons trước giờ “so găng” tại dự án tổ hợp hơn 4.600 tỷ đồng | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

Như chúng tôi đã đưa tin, mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo mời thầu rộng rãi dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu.

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện (m1) 4.626 tỷ đồng; chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư (m2) 171 tỷ đồng.

Quá trình nộp hồ sơ, có 2 nhà đầu tư đăng ký, gồm: Liên danh Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJI LAND - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản BLUE STAR; Liên danh Công ty CP Xây dựng Coteccons - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Unicons.

Tại vòng xét duyệt hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, cả 2 nhà đầu tư trên đều đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực và kinh nghiệm.

Đáng chú ý, trong 2 liên danh lọt qua vòng sơ loại, nổi lên 2 cái tên vừa quen vừa lạ trên thị trường bất động sản, đó là DOJI và Contecons – hai doanh nghiệp đứng đầu tại liên danh đăng ký thực hiện dự án.

Ảnh minh họa

Về DOJI - Tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/7/1994 bởi ông Đỗ Minh Phú, TTD là một trong số ít các doanh nghiệp tại Việt Nam tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế.

Năm 2007, TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI. Cùng năm này, doanh nghiệp này khai trương Ruby Plaza tại Hà Nội vào ngày 30/6 - một trong những trung tâm vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

Năm 2009, DOJI chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con và gây chú ý mạnh khi cuối năm 2014 tuyên bố lấn sân đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với việc thành lập Công ty TNHH đầu tư bất động sản DOJI Land (DOJI Land). Khi mới thành lập, DOJI Land được dẫn dắt bởi ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI.

Đến đầu năm 2018, ông Phú mới rút khỏi vị trí Chủ tịch Tập đoàn DOJI và DOJI Land cùng nhiều công ty con… để tránh vi phạm quy định của Luật các Tổ chức tín dụng do ông Phú cũng đồng thời là Chủ tịch ngân hàng.

Chỉ hơn 4 năm dưới sự dẫn dắt của ông Đỗ Minh Phú, DOJI Land đã có những bước phát triển “thần tốc” khi nắm trong tay nhiều dự án bất động sản nghìn tỷ như: Dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên với tổng số vốn đầu tư là 3.900 tỷ đồng; dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (tại Bến Đoan, TP Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô 4,77 ha và tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng; dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có quy mô 220 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng…

Theo giới thiệu tại website dojiland.vn, hiện doanh nghiệp này đang đầu tư vào bất động sản với 4 lĩnh vực: Bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản văn phòng và khu đô thị.

Với bất động sản nhà ở, doanh nghiệp này đang quảng bá các dự án, gồm: Diamond Crown Hai Phong với diện tích xây dựng trên khu đất 1.3ha, dự án The Sapphire Mansions tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ngoài ra, còn có The Sapphire Residence - khu đô thị hạng A tại Quảng Ninh.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, doanh nghiệp này đang giới thiệu dự án Best Western Premier Sapphire Ha Long tại Quảng Ninh…

>>> Đọc thêm: Tay ngang “lấn sân” bất động sản, DOJI của ông Đỗ Minh Phú để lại “dấu ấn” gì?

Còn về Conteccons, đây là một doanh nghiệp xây dựng khá quen thuộc trên thị trường. Trải qua 24 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã làm tổng thầu xây dựng hàng nghìn dự án bất động sản lớn, nhỏ trên địa bàn cả nước.

Nhờ sở hữu nguồn hỗ trợ vững mạnh từ các công ty con: Ricons, Unicons, FCC và Convestcons… Coteccons luôn được đánh giá là một trong những “ông lớn” nằm trong top đầu ngành thầu xây dựng Việt Nam.

Báo cáo tài chính nửa đầu niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023) của Coteccons cho biết, doanh thu thuần đạt 9.784 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ niên độ trước; lợi nhuận sau thuế đạt 135,7 tỷ đồng, tăng gấp 8,8 lần, qua đó ghi nhận chuỗi phục hồi lợi nhuận quý thứ 7 liên tiếp.

Theo: Vnmedia.vn copy https://vnmedia.vn/kinh-te/202403/soi-nang-luc-cua-doji-va-conteccons-truoc-gio-so-gang-tai-du-an-to-hop-hon-4600-ty-dong-f5f10d2/

Tin liên quan