Số liệu trên được Bộ Xây dựng cho biết tại Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam vừa phát hành.
Theo đó, tại báo cáo trên, dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 28/02/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng, tăng gần 21.000 nghìn tỷ đồng so với ngày 31/12/2023.
Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác dẫn đầu trong các phân khúc được giải ngân vốn với 384.343 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 365.669 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đứng thứ hai với 303.572 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 305.650 tại ngày 31/12/2023.
Dự nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê 121.274 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 43.393 tỷ đồng…
Đáng chú ý, bối cảnh tiền của các ngân hàng tiếp tục đổ mạnh vào thị trường bất động sản diễn ra khi theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nền kinh tế hai tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023; trong đó, tín dụng đến hết tháng 1/2024 giảm 0,6% và trong tháng 2 giảm thêm 0,12%.
Mặc dù vậy, thông tin từ Tổng Cục Thống kê công bố ngày 29/3 vừa qua cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I đạt 0,26%, thấp hơn so với con số cùng kỳ năm ngoái (ở mức 1,99%); trong đó, riêng tháng 3, tín dụng tăng trưởng 0,98%.
Liên quan đến vấn đề này, báo cáo mới phát hành của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, sau giai đoạn siết tín dụng đối với bất động sản, đã có nhiều tín hiệu cho thấy dòng tiền đã được nới lỏng với kênh đầu tư này. Việc các ngân hàng sẵn sàng đổ vốn vào thị trường bất động sản với mức lãi suất hấp dẫn tác động tích cực “kép" tới thị trường bất động sản, giúp thị trường phục hồi mạnh hơn khi vừa hỗ trợ nguồn vốn cho các chủ đầu tư phát triển dự án, vừa hỗ trợ nhu cầu vay mua nhà.
Cụ thể, sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối năm ngoái, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh giải ngân vốn cho các dự án bất động sản trong điều kiện mặt bằng lãi suất giảm và kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp không thuận lợi. Trong khi các kênh huy động vốn khác chưa phát triển, việc tiếp cận được dòng vốn tín dụng giúp cho các nhà phát triển đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai dự án, thúc đẩy nguồn cung ra thị trường.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra, 70% chủ đầu tư có sản phẩm đủ điều kiện mở bán đã sẵn sàng bung hàng. Ngay từ cuối quý I/2024, các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án, các hoạt động khởi công, sự kiện kick-off, “làm mới hàng cũ” diễn ra rầm rộ với quy mô ngày càng lớn. Một số dự án có tiến độ triển khai tốt đã chính thức nhận cọc.
Theo VARS, việc lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua trong bối cảnh kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển dự án mà còn giúp cánh cửa vay mua nhà của người dân mở rộng hơn. Mặc dù, nhiều người vẫn e ngại về mức lãi suất thả nổi sau ưu đãi. Tuy nhiên, so với năm ngoái, lãi suất thế chấp thả nổi trung bình hiện ở mức 9-11% đã giảm từ mức đỉnh là 13-15% mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã phối hợp với chủ đầu tư tung ra chính sách với cam kết mức trần lãi suất tối đa, người mua nhà sẽ tránh được những rủi ro liên quan đến lãi suất thả nổi.
Mặt khác, đến thời điểm hiện tại các tổ chức tín dụng hầu hết khuyến khích các khoản vay mua nhà để ở - là các khoản vay ít rủi ro và điều khoản tài sản đảm bảo rõ ràng. Lãi suất cho vay đang duy trì ổn định, trong đó có cả lãi suất cho vay mua nhà, thời hạn vay kéo dài 25-30 năm, giảm áp lực trả nợ từng tháng cho người vay vốn.
“Tác động có độ trễ của chính sách do dư nợ tín dụng chủ yếu nằm ở cho vay trung, dài hạn và các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, VARS nhận định./.