Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/5 cho thấy, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với thị trường thế giới. Tính đến ngày 28/4, giá vàng quốc tế bình quân đạt hơn 3.220 USD/ounce, tăng 7,33% so với tháng 3/2025.

Trong tháng 4, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh và thiết lập mức đỉnh mới do loạt bất ổn địa chính trị kéo dài - từ chiến sự tại Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông đến leo thang mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng tâm lý phòng ngừa rủi ro, thúc đẩy nhu cầu trú ẩn vào vàng.
Bên cạnh đó, hoạt động mua vào ồ ạt từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt tại khu vực châu Á và Trung Đông, cùng với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất, cũng là những yếu tố đẩy giá vàng tăng vọt.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 10,54% so với tháng trước; tăng 37,14% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 22,43% so với cuối năm 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng trung bình 32,85%.
Ngược chiều với vàng, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước ghi nhận diễn biến trái chiều so với thế giới, chủ yếu do nhu cầu mua USD trong nước tăng mạnh. Trên thị trường quốc tế, tính đến ngày 28/4, chỉ số giá USD đạt 100,77 điểm, giảm 3,05% so với tháng trước. Nguyên nhân chính là do căng thẳng địa chính trị toàn cầu và các chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ khiến nhà đầu tư giảm nắm giữ USD và trái phiếu chính phủ.
Trong nước, giá USD tự do dao động quanh mức 24.974 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 4 tăng 0,97% so với tháng trước, tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cuối năm 2024. Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 3,52%.
Ở chiều giá tiêu dùng, chỉ số CPI tháng 4/2025 tăng nhẹ 0,07% so với tháng trước, chủ yếu do giá nhà ở thuê, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng. So với tháng 12/2024, CPI tháng 4 tăng 1,37%; so với cùng kỳ năm trước tăng 3,12%.
Bình quân 4 tháng đầu năm, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong khi đó, lạm phát cơ bản tăng 3,05%. Riêng trong tháng 4, lạm phát cơ bản tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lạm phát cơ bản thấp hơn CPI bình quân chủ yếu do các mặt hàng như thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế dù tác động lớn đến CPI nhưng không được tính vào rổ lạm phát cơ bản./.